Vấn đề mọc răng và vệ sinh răng miệng

Những đồ ăn chứa đường như kẹo caramen, bánh bơ, kẹo gôm và trái cây sấy rất có hại cho răng của trẻ, nhất là khi trẻ ngậm lâu những thức này trong miệng

Từ hai mươi đến ba mươi tháng tuổi, trẻ đã phải có hai răng hàm.  Và đến hai tuổi rưỡi thì con bạn phải mọc đủ hết các răng sữa.  Từ sáu tới bảy tuổi thì trẻ mọc răng vĩnh viễn, có khi sớm hơn hoặc trễ hơn.  Trong thời kì mọc răng, bé có thể có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, khó chịu, sốt nhẹ,.v.v.  Bạn nên hỏi với bác sĩ nhi riêng của bé nếu những dấu hiệu này cứ kéo dài.  Ởmột số trẻ sẽ thấy khó chịu ở nướu khi mọc răng (gọi nôm na là “ngứa răng”) và phản ứng bằng cách nhai những vật mềm, vậy bạn cần rửa sạch những vòng nhựa dẻo đồ chơi (dành cho trẻ đang mọc răng) để tránh cho bé bị nhiễm trùng.  Vấn đề răng miệng hàng đầu ở trẻ dưới sáu tuổi chính là sâu răng.  Khoảng 10% trẻ hai tuổi có một hay hơn một cái răng sâu; ở trẻ ba tuổi tỉ lệ này là 28% và ở trẻ năm tuổi là 50%.  Nhiều bậc phụ huynh nghĩ răng sữa bị sâu cũng không vấn đề gì, vì rồi chúng sẽ bị thay thế bởi răng vĩnh viễn.  Nhưng điều này là không đúng.  Răng sữa bị sâu có thể ảnh hưởng xấu đến răng vĩnh viễn, cũng như sẽ dẫn tới nhiều vấn đề liên quan tới răng miệng sau này.

 

Cách tốt nhất để bảo vệ răng cho con bạn là hãy dạy chúng thói quen giữ gìn vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng.  Nếu được hướng dẫn kĩ càng thì trẻ sẽ dần hình thành được thói quen rất tốt này.  Tuy thế, bé cũng chưa hoàn toàn tự đánh răng một mình được dù chúng có vẻ thích thú với việc này, bạn nên đứng xem bé đánh răng và giúp bé chải sạch các mảng bám – thủ phạm gây răng sâu ở trẻ.  Ngoài ra, hãy để ý tới những đốm màu nâu hay trắng trên răng vì chúng có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh sâu răng.

Ở lứa tuổi này, bạn nên giúp bé đánh răng mỗi ngày hai lần với bàn chải trẻ em có lông mềm.  Có nhiều loại bàn chải được thiết kế phù hợp với trẻ em mọi lứa tuổi, vậy hãy chắc rằng bạn đã chọn cho con mình một cái phù hợp.  Khi bé được hai tuổi rưỡi, bạn đã có thể cho bé dùng loại kem đánh răng chứa một lượng nhỏ flo để ngừa sâu răng.  Chọn kem đánh răng có mùi vị khác hoặc cho bé súc miệng bằng nước trắng nếu bé không thích kem đánh răng chứa flo.  Vì bé còn rất nhỏ nên sau khi đánh răng xong, bạn phải nhớ dạy bé súc miệng bằng nước rồi nhổ kem ra, tránh không để bé nuốt kem.  Việc nuốt quá nhiều kem đánh răng chứa flo sẽ làm xuất hiện những đốm nâu hay trắng trên răng ở tuổi trưởng thành.

Chúng ta thường nghe cách đánh răng tốt nhất là phải di chuyển bàn chải lên xuống, từ sau ra trước hay xoay tròn.  Thật ra, hướng di chuyển bàn chải không quan trọng.  Điều quan trọng là phải đánh cho sạch tất cả các răng, hàm trên và hàm dưới, răng trong và răng ngoài.  Khi hướng dẫn bé đánh răng như thế, bé có thể không chịu làm theo bạn vì chúng chỉ để ý tới răng cửa thôi.  Có thể giúp bé điều này bằng một trò chơi, chẳng hạn như trò “Tìm răng”.  Bạn phải nhớ kiểm tra việc vệ sinh răng miệng của bé hay thậm chí đánh răng giùm bé khi cần, bởi chỉ từ sáu hoặc tám tuồi trở lên, bé mới tự đánh răng một mình được.

Bên cạnh việc thường xuyên đánh răng, chế độ ăn của con bạn cũng đóng một vai trò chính trong chăm sóc sức khỏe răng miệng.  Và dĩ nhiên bạn cũng biết, đường là một kẻ phá hoại thực sự.  Bé càng ăn nhiều đồ ngọt thì nguy cơ sâu răng càng cao.  Những đồ ăn chứa đường như kẹo caramen, bánh bơ, kẹo gôm và trái cây sấy rất có hại cho răng của trẻ, nhất là khi trẻ ngậm lâu những thức này trong miệng.  Hãy chắc chắn rằng bạn luôn đánh răng cho bé thật sạch sau khi ăn thức ăn chứa đường.  Ngoài ra, đừng để bé ngậm lâu bất kì loại chất lỏng có vị ngọt đường nào trong bình bú.  Vị bác sĩ nhi khoa sẽ luôn kiểm tra răng và nướu của trẻ trong suốt những lần đi khám sức khỏe chúng.  Nếu thấy có vấn đề gì, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đưa bé đến bác sĩ nha khoa trẻ em hay bất cứ một bác sĩ nào hay chữa răng cho trẻ em.  Cả hai Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kì (American Academy of  Pediatrics) và Viện Hàn lâm Nha khoa Nhi Hoa Kì (American Academy of  Pediatric Dentistry) đều khuyến cáo rằng, ngay từ lúc một tuổi, mọi trẻ nhỏ cần đuợc đi kiểm tra răng với bác sĩ nha khoa trẻ em và nên có một hộp đựng các sản phẩm chăm sóc răng miệng tại nhà.Là một phần trong cuộc kiểm tra sức khỏe răng miệng tổng quát cho trẻ, nha sĩ sẽ xem xét để chắc chắn rằng răng của con bạn phát triển bình thường, không có bệnh lí về nha, đồng thời tư vấn cho bạn thêm về vệ sinh răng miệng cho bé.  Vị nha sĩ có thể áp dụng một “liệu pháp flo” nếu thấy cần thiết nhằm bảo vệ con bạn khỏi răng sâu.  Nếu nguồn nước ở địa phương bạn không được flo hóa, nha sĩ có thể kê thuốc nhỏ flo hay thuốc chứa flo (nhai được) cho con bạn.  Hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa của bé để được hướng dẫn thêm cách bổ sung flo.

Viết một bình luận