Làm gương tốt cũng có nghĩa là tự chăm sóc bản thân.
Bạn có thể biết nhiều hơn về việc làm cha mẹ so với những gì bạn nghĩ trước đây. Bạn đã dành nhiều năm quan sát cha mẹ mình và những gia đình khác. Cũng có thể là bạn đã từng chăm sóc trẻ con rồi. Và bạn có nhiều phản xạ bản năng giúp bạn trở thành một bậc cha mẹ biết cách chăm sóc con. Trong một số thời điểm, điều này có thể là những chuẩn bị cần thiết để bạn sẵn sàng nuôi con. Tuy nhiên, xã hội chúng ta cực kì phức tạp và luôn biến đổi. Để dẫn dắt con mình trong thế giới mới đầy thử thách này, cha mẹ cần phải học những kỹ năng cần thiết để làm cha mẹ. Hãy nói chuyện với các bác sĩ nhi khoa, các bậc cha mẹ và luôn đặt ra những câu hỏi. Hãy tìm hiểu những gia đình có con cùng tuổi, quan sát họ nuôi con thế nào (ví dụ, khi nào thì bảo bọc con, khi nào thì để con tự lập, và những trách nhiệm mà họ trao cho con vào những độ tuổi khác nhau?). Tương tự, bạn hãy tìm đọc về những vấn đề liên quan đến gia đình mình. Hãy liên lạc với những tổ chức tôn giáo địa phương, trường học và hội phụ huynh, chương trình chăm sóc sức khoẻ trẻ em, lớp học cho bậc cha mẹ, và những tổ chức chuyên về vấn đề trẻ em. Những tổ chức này phục vụ cho những bậc cha mẹ quan tâm đến việc nuôi dạy con cái; đồng thời giúp bạn cảm thấy thoải mái và an toàn hơn khi đối mặt với những khó khăn và rắc rối trong cách dạy con.
Khi bạn nhận lời khuyên, hãy chọn lọc những gì phù hợp với gia đình và con của bạn. Phần lớn các lời khuyên rất quý báu, nhưng không phải lời khuyên nào cũng thế. Vì việc nuôi con là một quá trình mang đậm dấu ấn cá nhân nên chắc chắn sẽ có những điểm khác biệt. Bạn không nhất thiết phải tin mọi thứ nghe thấy hay đọc được. Thật ra, một trong những mục đích của việc tự học là giúp tránh cho con bạn những lời khuyên không phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Bạn càng biết nhiều thì càng được trang bị đầy đủ để quyết định những gì tốt nhất cho gia đình mình.
Hày là tấm gương tốt cho con bạn.
Một trong những cách con trẻ thể hiện tình yêu dành cho bạn là bắt chước bạn. Đây cũng là một trong những cách con bạn học cách ứng xử, phát triển kỹ năng và tự chăm sóc bản thân. Từ những giây phút ban đầu, nó đã quan sát bạn từ khoảng cách gần, và hình thành nên cách cư xử và niềm tin giống như bạn. Tấm gương của bạn sẽ là hình ảnh vĩnh viễn định hình thái độ và hành vi trong suốt quãng đời còn lại của bé. Làm gương tốt cho trẻ có nghĩa là có trách nhiệm, yêu thương và kiên định không chỉ với trẻ mà còn với những thành viên khác trong gia đình. Hãy biểu lộ tình cảm và chăm sóc các mối quan hệ của bạn. Nếu đứa trẻ thấy cha mẹ mình cởi mở, hợp tác và chia sẻ nhiệm vụ gia đình, nó sẽ mang theo những kỹ năng ấy vào các mối quan hệ sau này.
Làm gương tốt cũng có nghĩa là tự chăm sóc bản thân. Với tư cách là một bậc cha mẹ nhiệt tình và có thiện chí thì dễ dàng tập trung hết mức cho gia đình đến nỗi quên đi nhu cầu cá nhân. Đây thực sự là một sai lầm. Đứa trẻ phụ thuộc vào bạn để được khoẻ mạnh về thể chất lẫn tinh thần, và bé sẽ noi gương bạn để chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Bằng cách chăm sóc bản thân mình, bạn chứng minh lòng tự trọng của bản thân, điều quan trọng cho cả bạn và bé. Thuê một người giữ trẻ và nghỉ ngơi khi bạn quá mệt mỏi hoặc đau yếu sẽ dạy con bạn rằng bạn trân trọng bản thân và nhu cầu của mình. Dành thời gian và năng lượng cho công việc riêng hoặc việc giải trí sẽ dạy con bạn rằng bạn xem trọng và sẵn sàng theo đuổi những kỹ năng và sở thích giá trị. Bằng cách cho bạn thời gian riêng tư (ít nhất mỗi tuần một lần), sẽ dễ hơn cho bạn và con bạn phát triển tính cách riêng. Điều này thật sự cần thiết khi bé lớn hơn. Bé cũng sẽ được lợi từ việc nhận biết những người lớn đáng tin cậy khác khi có người giữ trẻ, và đôi khi thu hút toàn bộ gia đình bạn trong những hoạt động nhóm với những gia đình khác. Trên hết, bé sẽ bắt chước một vài thói quen của bạn, nếu bạn giữ cho mình mạnh khỏe và vui vẻ thì sẽ tốt cho cả bạn và bé.
Bạn có thể lấy một ví dụ ở một lĩnh vực quan trọng khác, đó là chứng minh lòng khoan dung và sự chấp nhận trong một xã hội đa văn hóa. Ví dụ như Hoa Kỳ đã trở thành nơi hòa nhập của nhiều quốc tịch và nền văn hóa, dạy cho bé lòng khoan dung với những nhóm chủng tộc, dân tộc, tín ngưỡng và những phong cách sống đa dạng. Nỗ lực giúp con bạn hiểu và chào đón sự phong phú đa dạng trong cuộc sống. Không một đứa trẻ nào sinh ra đã có sẵn thành kiến trong suy nghĩ, mà điều này phải được giáo dục từ khi còn bé thơ. Từ lúc 4 tuổi, trẻ đã nhận thức về sự khác biệt giữa những con người. Cách mà bạn tiếp xúc với mọi người trong cuộc sống sẽ là nền tảng mà con bạn đối xử với bạn bè và những người khác suốt thời thơ ấu và khi trưởng thành. Hãy để con bạn biết rằng có nhiều điểm tương đồng giữa con người và hãy nỗ lực xóa tan những suy nghĩ rập khuôn của con bạn về con người, thay vào đó bằng lòng tin rằng tất cả con người đều đáng được tôn trọng và nhìn nhận.