Quan hệ anh chị em

Trong mắt trẻ nhỏ, anh chị không thể làm điều gì sai. Anh chị là hình mẫu hoàn hảo – những con người mạnh mẽ và tự do, nhưng vẫn chơi đùa như trẻ con.

Nếu bạn quyết định có thêm em bé, hãy chuẩn bị cho sự ghen tị không nhỏ đến từ đứa con mới tập đi của bạn. Bởi vì, dù sao đi nữa, ở lứa tuổi này trẻ chưa hiểu khái niệm chia sẻ thời gian, sự quan tâm cũng như tình thương của mẹ hay mong chờ một đứa bé khác trở thành “trung tâm vũ trụ” của bạn.

Bé là anh chị

Cách tốt nhất để làm giảm sự ghen tị của trẻ là hãy chuẩn bị tinh thần cho trẻ từ mấy tháng trước.  Bạn có thể để trẻ giúp mua đồ cho em bé, chuẩn bị phòng, vật dụng đứa em sắp chào đời.  Trò chuyện với trẻ về sự thay đổi khi gia đình có thành viên mới, tầm quan trọng của người anh (hoặc chị), giúp đỡ và che chở cho em mình.

Khuyến khích chơi với em nhưng đừng ép nó.  Nếu bé muốn, cho bé vài việc nhỏ như đem cho bạn tả lót, cái mền cho em bé.  Khi bạn đang bồng em bé, hãy cho bé tham gia và chỉ cách cho bé cách bồng em.  Làm cho bé hiểu rằng nó chỉ được bồng em khi có người lớn quan sát, giúp đỡ.  Hãy nhớ dành thời gian riêng cho bé.

Làm gương cho em nhỏ là một trách nhiệm lớn, và nếu bạn chỉ rõ cho đứa bé lớn của bạn thấy điều này, chắc chắn bé sẽ cư xử có tiến bộ.  Tuy nhiên nếu bạn cảm thấy bé có ảnh hưởng xấu đến em của bé, và bé không có cải thiện, bạn không còn cách nào khác ngoài việc tách hai bé ra mỗi khi bé lớn cư xử không tốt.  Bằng không, bé nhỏ hơn sẽ bắt chước bé lớn và sớm muộn gì cũng nhiễm những thói xấu. Đừng làm bẽ mặt bé lớn trước mặt bé nhỏ bằng cách phạt bé, nhưng phải chắc chắn rằng bé nhỏ hơn hiểu rõ sự khác biệt giữa cách cư xử “đẹp” và “không đẹp”.

Bé là em nhỏ

Đứa con nhỏ chưa đến tuổi đi học của bạn có anh chị không? Nếu có, hầu như chắc chắn bạn sẽ bắt đầu chứng kiến những dấu hiệu của sự thần tượng anh chị vào lúc bé được khoảng 2 tuổi.  Trong mắt trẻ nhỏ, anh chị không thể làm điều gì sai.  Anh chị là hình mẫu hoàn hảo – những con người mạnh mẽ và tự do, nhưng vẫn chơi đùa như trẻ con.

Mối quan hệ này có cả lợi ích và trở ngại.  Bé hầu như chắc chắn sẽ bám đuôi anh chị của bé đi khắp nơi như một chú chó con.  Điều này sẽ cho bạn một ít tự do, và thường tạo ra niềm vui cho cả hai đứa trẻ trong một lúc.  Nhưng chẳng bao lâu, đứa trẻ lớn hơn sẽ muốn lấy lại sự tự do của nó, điều mà chắc chắn sẽ tạo ra sự thất vọng, có lẽ cả nước mắt hoặc hành vi cư xử không đẹp từ đứa trẻ nhỏ hơn.  Tuy nhiên, bạn nên chắc chắn rằng đứa trẻ nhỏ hơn không có những phản ứng quá mức đối với anh chị của bé.  Nếu bạn không can thiệp, quan hệ của các trẻ sẽ trở nên căng thẳng.

Nếu đứa trẻ lớn hơn ở độ tuổi từ bảy tuổi trở lên, bé có lẽ đã có một cuộc sống khá độc lập, với bạn bè và những hoạt động ngoài bên ngoài gia đình.  Khi có cơ hội, đứa trẻ nhỏ hơn sẽ bám theo anh nó tới mọi nơi.  Bạn không nên cho phép điều này, trừ phi đứa trẻ lớn mong muốn, hoặc là bạn cũng cùng đi theo và giữ cho đứa trẻ nhỏ không trở thành một kẻ quấy rầy.  Nếu đứa trẻ lớn ở độ tuổi có thể trông em được, bạn hãy thưởng cho bé vì đã trông em giúp bạn khi bạn có chuyện ra ngoài và điều này sẽ giúp ngăn cơn bực tức của bé.

Áp lực và sự ganh tị là những điều thường thấy trong quan hệ giữa các anh chị em, nhưng nếu có một sự cân bằng lành mạnh giữa tình anh em và sự tự do thì những đứa trẻ sẽ trở nên gắn bó với nhau hơn và góp phần tạo nên sự quý mến giữa chúng.  Thông qua anh chị của bé, đứa con nhỏ của bạn sẽ cảm nhận  được giá trị của gia đình và được biết trước thế nào là làm “anh (chị) cả”.  Đồng thời, anh chị của bé sẽ nhận ra việc trở thành anh hùng trong mắt em nhỏ có ý nghĩa như thế nào trong ngôi nhà của chính chúng nó

Viết một bình luận