Những nguyên tắc vàng để dạy bảo con trẻ (2-5 tuổi)

Bạn thường xuyên la mắng, dùng đòn roi với trẻ thì con bạn sẽ lớn lên với quan niệm sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề là điều hoàn toàn chấp nhận được.

Dù bạn là một phụ huynh nghiêm khắc hay mềm mỏng, các chỉ dẫn sau sẽ giúp bạn hình thành một phương pháp răng đe trẻ hợp lý, tốt cho trẻ lẫn cho bạn.
  1. Luôn luôn thực hiện “Tốt khen-Xấu phạt”.  Và luôn chủ động trong mọi tình huống.  Ví dụ bé đang tiến tới bếp lò; bạn nên cố gắng đánh lạc hướng bé (như bằng cách gọi trẻ hay tạo âm thanh hấp dẫn bé) thay vì để yên cho bé gặp nguy hiểm rồi mới can thiệp.  Ngược lại, mỗi khi trẻ tự giác ngoan ngoãn thì đừng tiếc những lời khen.  Bằng cách bày tỏ sự tự hào của mình về trẻ, con bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và có động lực để ngoan hơn trong tương lai.
  2. Lập ra luật lệ rõ ràng để giúp trẻ kiểm soát tính bốc đồng, cư xử đúng mực nhưng không làm suy yếu tính tự lập của trẻ.  Nếu bạn quá nghiêm khắc, trẻ có thể sẽ trở nên rụt rè, mất đi khả năng tự khám phá cũng như chậm phát triển các kĩ năng.
  3. Luôn cân nhắc đến mức độ phát triển của trẻ khi đặt ra các chỉ tiêu, và đừng mong trẻ làm được những việc quá khả năng.  Ví dụ như một đứa bé 2-3 tuổi không thể nào kiềm chế mình trước một món đồ hấp dẫn chúng, vì vậy thật là vô lý nếu bạn trông đợi nó sẽ không táy máy sờ vào những món đồ chơi trong cửa hàng.
  4. Khi phạt, cũng cần quan tâm đến mức độ phát triển của trẻ. Nếu bạn muốn phạt đứa trẻ mới bập bõng biết đi bằng cách nhốt nó vào phòng thì đừng giữ nó trong phòng lâu quá 5 phút.  Vì lâu hơn, nó sẽ chẳng nhớ vì sao mình bị phạt.  Còn nếu bạn muốn dùng lí lẽ với bé, hãy nói đơn giản và dễ hiểu.  Đừng bao giờ dùng những câu giả định như “Con thấy sao nếu mẹ cũng làm vậy với con?”.  Không đứa bé nào hiểu nổi loại câu này.
  5. Đừng du di hay thay đổi những luật lệ của bạn.  Nó chỉ làm bé bối rối mà thôi.  Khi bé lớn lên, bạn chắc hẳn sẽ mong đợi những cử chỉ trưởng thành hơn ở bé, nhưng khi thay đổi nguyên tắc, hãy giải thích cho bé hiểu.  Ví dụ, khi bé 2 tuổi, bạn bỏ qua việc bé níu kéo áo bạn khi muốn bạn chú ý. Nhưng lúc bé lên 4, có thể bạn sẽ muốn bé thay đổi cách này bằng một cử chỉ  trưởng thành hơn.  Khi bạn quyết định thay đổi một nguyên tắc, giải thích cho con bạn trước khi thực thi nó.
  6. Hãy chắc chắn rằng mọi thành viên trong gia đình đều biết và nhất trí với các luật lệ của bạn dành cho con để tránh làm trẻ bị bối rối hoặc mâu thuẫn giữa người lớn về cách dạy dỗ con trẻ.
  7. Nhớ rằng bạn là tấm gương cho con bạn. Bạn cư xử công bằng, đúng mực thì con bạn cũng sẽ noi theo những hình mẫu ấy.  Còn bằng ngược lại, bạn thường xuyên la mắng, dùng đòn roi với trẻ thì con bạn sẽ lớn lên với quan niệm sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề là điều hoàn toàn chấp nhận được.

Viết một bình luận