Ngộ độc thực phẩm và thực phẩm bị nhiễm khuẩn

Trẻ nhỏ thường không thích những loại thức ăn này và ăn rất ít. Tuy nhiên, bạn vẫn phải cảnh giác

Ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi ăn vào cơ thể các loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Các triệu chứng gần như tương tự với chứng viêm dạ dày ruột: bụng đau thắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, sốt. Nếu bạn thấy nhiều người trong nhà cùng có các triệu chứng như trên khi ăn cùng 1 loại thực phẩm thì nhiều khả năng là bị ngộ độc chứ không phải do viêm dạ dày ruột. Các vi khuẩn này không thể nhìn thấy, không thể ngửi cũng như nếm mà nhận biết được.

Do đó, khi ăn các thực phẩm nhiễm khuẩn, trẻ sẽ không biết. Những loại vi khuẩn này bao gồm:

1) Staphylococcus aureus (Staph)

Sự xuất hiện của vi khuẩn Staph trong thực phẩm là nguyên nhân chính gây ra ngộ độc. Những vi khuẩn này thường gây nhiễm trùng da, làm xuất hiện mụn và mụn nước. Chúng bám trên thực phẩm trong quá trình chế biến, và đi vào cơ thể khi chúng ta ăn. Khi để thực phẩm ở 1 nhiệt độ nhất định (37,8 độ C), thường thấp hơn nhiệt độ dùng để hâm nóng thức ăn, các vi khuẩn Staph sẽ phân chia và sản sinh ra 1 loại chất độc, loại chất độc này thường rất khó phân hủy ngay cả khi thức ăn được nấu chín. Các triệu chứng ngộ độc sẽ xuất hiện từ 1 đến 6 tiếng sau khi ăn và sẽ gây khó chịu trong khoảng 1 ngày.

2) Salmonella

Vi khuẩn Salmonella (có nhiều loại) là 1 nguyên nhân phổ biến khác gây ra hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm ở Mỹ. Vi khuẩn này được tìm thấy nhiều nhất trong các loại thực phẩm sống như: thịt (bao gồm cả thịt gà), trứng chưa nấu chín, sữa chưa được tiệt trùng. Tuy nhiên, các vi khuẩn samonella sẽ bị tiêu diệt khi thức ăn được nấu kĩ. Các triệu chứng do nhiễm Salmonella xuất hiện từ 16 đến 48 tiếng sau khi ăn, và thường kéo dài từ 2 đến 7 ngày.

3) E.coli

Escheriachia coli (E.coli) là 1 nhóm các vi khuẩn thường sống trong ruột của trẻ em và người lớn. Môt vài chủng loại vi khuẩn này có thể gây ra các bệnh liên quan tới thực phẩm. Thịt bò chưa nấu chín thường được biết là nguồn chứa vi khuẩn E.coli, ngoài ra, các sản phẩm sống và nước bị ô nhiễm cũng có thể gây bệnh.

Triệu chứng của bệnh thường bao gồm tiêu chảy (dao động từ nhẹ đến nặng), đau bụng và trong một số trường hợp, có thể gây ra buồn nôn và ói mửa, thậm chí đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Cách điều trị tối ưu cho bệnh tiêu chảy là nghỉ ngơi và uống nhiều nước (chống mất nước). Nhưng nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa.

4) Vi khuẩn Clostridium perfringens

Vi khuẩn Clostridium perfringens (C. perfrin-gens) là một loại vi khuẩn thường thấy trong đất, nước thải, ruột con người và động vật. Nó lây lan từ người chế biến thực phẩm sang thực phẩm, từ đó sinh sôi và sản sinh chất độc. C. perfringens thường được tìm thấy trong căn tin trường học, bởi nó phát triển mạnh ở các loại thực phẩm được phục vụ với số lượng lớn, và bảo quản ở nhiệt độ phòng. Các thực phẩm có liên quan nhất là thịt bò, cá, món cuộn, món hầm. Các triệu chứng nhiễm độc xuất hiện từ 8-24 giờ sau khi ăn, có thể kéo dài từ một đến vài ngày.

5) Shigellosis

Nhiễm khuẩn Shigella, hay Shigellosis, là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột gây ra bởi một trong nhiều loại vi khuẩn Shigella. Các loại vi khuẩn này có thể lây truyền qua thức ăn và nước uống cũng như thực phẩm kém vệ sinh. Vi khuẩn xâm nhập màng trong ruột, có thể dẫn đến triệu chứng tiêu chảy, sốt hay chuột rút.

Khuẩn Shigellosis và các triệu chứng của nó thường giảm dần sau khoảng 5-7 ngày. Trong thời gian chờ đợi, con bạn nên uống nhiều nước hoặc ( theo hướng dẫn bác sĩ) các biện pháp giữ nước khác. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để rút ngắn thời gian và cường độ nhiễm khuẩn.

6) Campylobacter

Một dạng ngộ độc thực phẩm gây ra do vi khuẩn Campylobacter mà trẻ em có thể mắc phải do ăn thịt gà sống hoặc nấu chưa chín, uống sữa chưa qua tiệt trùng hay nước bị ô nhiễm. Loại nhiễm khuẩn này có thể dẫn đến những triệu chứng như tiêu chảy (đôi khi có máu), chuột rút và sốt, kéo dài khoảng 2-5 ngày sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn.

Để xác định các trường hợp nhiễm khuẩn Campylobacter, bác sĩ cần có mẫu phân để phân tích trong phòng thí nghiệm. May mắn là hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn này tự khỏi mà không cần bất kì việc điều trị chính thức nào ngoài việc đảm bảo trẻ được uống nhiều nước để bù vào lượng nước thiếu hụt do tiêu chảy. Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Trong hầu hết các trường hợp, trẻ sẽ trở lại bình thường trong từ 2-5 ngày.

7) Ngộ độc Botulism

Đây là ngộ độc thực phẩm chết người gây ra do Clostridium botulinum. Mặc dù các vi khuẩn thông thường có thể được tìm thấy trong đất và nước nhưng các loại bệnh gây ra từ các loại vi khuẩn này là rất hiếm vì chúng cần những điều kiện đặc biệt để sinh sản và sinh ra chất độc. Clostridium botulinum phát triển tốt nhất trong môi trường chân không và dưới những điều kiện hóa học nhất định. Điều này giải thích tại sao những thực phẩm đóng hộp không đạt chuẩn và các loại rau quả có lớp vỏ bọc ngoài như đậu xanh, bắp, củ cải và đậu Hà Lan thường là nguyên nhân mầm bệnh. Mật ong cũng có thể bị nhiễm khuẩn này và thường xuyên gây ra các trường hợp nghiêm trọng, đặc biêt là đối với trẻ em dưới 1 tuổi. Vì vậy, bạn không nên sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 năm tuổi.

Botulism tấn công hệ thần kinh và gây ra quáng gà, liệt cơ mí mắt, mất tiếng, khó khăn trong nuốt và thở. Bệnh còn có thể gây ra nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng. Các triệu chứng phát triển trong 18-36 giờ, và diễn ra từ 1 tuần tới vài tháng. Nếu không được điều trị, Botulism có thể gây ra tử vong. Thậm chí khi đã được điều trị, vẫn có thể để lại di chứng thần kinh về sau.

8) Cryptosporidiosis

Trong một số ít trường hợp, tiêu chảy nước, sốt nhẹ và đau bụng là do một loại vi khuẩn có tên khoa học là Cryptosporidiosis. Nhiễm khuẩn này thường gặp ở trẻ em có hệ miễn dịch thấp.

Các loại thực phẩm khác có thể gây ngộ độc như: nấm độc, cá bị nhiễm độc tố, thực phẩm sử dụng gia vị đặc biệt. Trẻ nhỏ thường không thích những loại thức ăn này và ăn rất ít. Tuy nhiên, bạn vẫn phải cảnh giác. Nếu bé có triệu chứng bất thường trong tiêu hóa, đó có thể là biểu hiện của việc trẻ đã ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn, hãy đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để được khám kịp thời.

Cách điều trị

Trong hầu hết các trường hợp liên quan tới ngộ độc thực phẩm, tất cả những gì cần làm là hạn chế việc ăn uống của trẻ trong một thời gian. Bệnh thường sẽ tự hết. Trẻ sơ sinh có thể chịu đựng 3-4 giờ, trẻ lớn hơn có thể chịu được 6-8 giờ mà không cần ăn uống. Nếu con bạn vẫn còn nôn mửa hoặc tiêu chảy hoặc triệu chứng giảm đi không đáng kể, hãy đưa ngay trẻ đến bác sĩ nhi khoa.

Thông báo cho bác sĩ nếu con bạn có các triệu chứng:

  • Có biểu hiện mất nước
  • Tiêu chảy ra máu
  • Tiêu chảy liên tục với lượng nước lớn trong phân hoặc tiêu chảy xen kẽ táo bón
  • Đã ăn phải nấm độc
  • Yếu đi đột ngột, tê cóng, căng thẳng, bứt rứt và cảm thấy như kim châm, hành động thiếu tỉnh táo, hoặc có ảo giác hay khó thở.

Hãy nói với bác sĩ những triệu chứng mà con bạn mắc phải, những thức ăn mà con bạn ăn gần đây và nguồn gốc của chúng. Cách điều trị mà các bác sĩ đưa ra sẽ dựa vào tình trạng của con bạn và loại thực phẩm độc hại. Nếu bé bị mất nước, bác sĩ sẽ dùng các nguồn thay thế để bổ sung lượng nước. Kháng sinh có thể rất hữu dụng chỉ khi đã xác định được loại vi khuẩn gây bệnh. Những thuốc chống dị ứng có tác dụng nếu bệnh là do dị ứng đối với thực phẩm, do độc tố hay các chất gia vị. Nếu con bạn bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn thì cần nhập vịên để có sự chăm sóc cẩn thận.

Cách phòng bệnh

Hầu hết những bệnh gây ra do thực phẩm có thể phòng ngừa nếu bạn làm theo những hướng dẫn sau:

Vệ sinh

  • Đặc biệt cẩn thận khi chuẩn bị thịt sống hay gia cầm. Sau khi rửa sạch thịt, hãy rửa tay và những nơi đã tiếp xúc với thịt hay gia cầm đó với nước nóng hay xà phòng trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
  • Hãy luôn rửa tay sạch trước khi chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh cũng như sau khi thay tã cho con bạn.
  • Nếu bạn có vết thương hở miệng ở tay thì hãy đeo găng tay khi chuẩn bị thức ăn.
  • Đừng chuẩn bị thức ăn nếu bạn đang bệnh, đặc biệt là những bệnh về tiêu hóa như: buồn nôn, ói, đau dạ dày, tiêu chảy.

Lực chọn thực phẩm

  • Xem xét cẩn thận những thực phẩm đóng hộp (đặc biệt là những thực phẩm đóng hộp tại gia) để xem có những dấu hiệu nhiễm khuẩn hay không. Hãy tìm những chất lỏng dạng sữa xung quanh rau cải, những hũ bị nứt, lỏng nắp hay những cái hộp hay nắp hộp bị phồng lên. Đừng sử dụng những thực phẩm đóng hộp có những dấu hiệu trên. Hãy bỏ chúng và đừng để người nào sử dụng. (gói chúng lại với những đồ dùng bằng nhựa và để trong những túi giấy)
  • Mua thịt và hải sản của những nhà cung cấp uy tín
  • Không sử dụng sữa chưa tiệt trùng hay pho mát làm từ sữa chưa qua xử lí.
  • Không ăn thịt sống.
  • Không để trẻ dưới một tuổi ăn mật ong.

Chuẩn bị và sử dụng thực phẩm

  • Không để thức ăn đã nấu xong (đặc biệt là những thức ăn làm từ tinh bột), thịt, pho mát hay những thức ăn chứa mayonnaise ở nhiệt độ phòng hơn hai giờ.
  • Đừng dừng việc nấu thịt hay gia cầm giữa chừng.
  • Làm đông lạnh tức ăn ngay nếu bạn muốn sử dụng vào ngày mai (để thức ăn nóng vào tủ lạnh ngay, trước khi nó nguội đi)
  • Hãy chắc rằng thức ăn đã được nấu kỹ. Hãy sử dụng nhiệt kế cho những món lớn như món nướng hay gà tây và chặt thành từng miếng để xem có chín hay chưa.
  • Khi hâm nóng thức ăn, hãy đậy lại và hâm kỹ.

Viết một bình luận