Trong vài trường hợp hiếm gặp, mất máu có thể xảy ra khi máu không thể đông lại như bình thường.
Máu chứa nhiều loại tế bào khác nhau. Trong đó, đa phần là tế bào hồng cầu. Hồng cầu chứa hemoglobin, một sắc tố màu đỏ mang oxy từ phổi phân phối đi khắp cơ thể, đồng thời mang khí CO2 (chất thải) từ các mô đến phổi thải ra ngoài.
Hội chứng thiếu máu là tình trạng giảm số lượng hemoglobin trong hồng cầu, do đó máu giảm khả năng mang lượng oxy cần thiết đến các tế bào trong cơ thể để duy trì chức năng và phát triển.
Thiếu máu có thể xảy ra do một số nguyên nhân sau:
- Giảm sản xuất hồng cầu.
- Quá nhiều hồng cầu bị phá huỷ.
- Lượng hemoglobin không đủ so với lượng hồng cầu.
- Tế bào máu bị mất khỏi cơ thể.
Trẻ nhỏ thường bị thiếu máu khi không hấp thụ đủ sắt trong bữa ăn. Sắt rất cần thiết cho sự chế tạo hemoglobin. Thiếu sắt làm giảm lượng hemoglobin trong hồng cầu. Một trẻ nhỏ có thể bị thiếu máu thiếu sắt nếu bé bắt đầu uống sữa bò từ quá sớm và không được bổ sung sắt hoặc thức ăn chứa sắt. Sự thiếu hụt là do sữa bò chứa rất ít sắt và lượng sắt ít ỏi đó lại khó được cơ thể hấp thu. Hơn nữa, khi trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi uống sữa bò, ruột bé có thể bị kích thích và gây ra chảy máu rỉ rả. Việc này gây ra giảm số lượng hồng cầu dẫn đến thiếu máu. Sự thiếu hụt những chất dinh dưỡng khác, như folic axit, cũng có thể gây ra bệnh thiếu hồng cầu, nhưng rất hiếm. Phần lớn xảy ra ở những trẻ được cho uống sữa dê, vốn chứa rất ít folic axit.
Mất máu nghiêm trọng ở bất kì tuổi nào cũng có thể gây ra thiếu máu. Trong vài trường hợp hiếm gặp, mất máu có thể xảy ra khi máu không thể đông lại như bình thường. Một đứa bé mới sinh mắc bệnh máu khó đông có thể bị chảy máu rất nhiều khi cắt bao quy đầu hoặc những vết thương nhỏ và dẫn đến thiếu máu. Trẻ mới sinh thường bị thiếu vitamin K (chất tham gia tổng hợp một số yếu tố đông máu) nên vitamin này thường được tiêm vào ngay sau khi sinh.
Đôi khi tế bào hồng cầu lại có xu hướng rất dễ bị phá hủy, có thể do sự xáo trộn trên màng hồng cầu hay vài sự bất thường khác bên trong hoặc ngoài tế bào, gây ra thiếu máu tán huyết.
Một tình trạng nghiêm trọng khác là do tế bào hồng cầu hình lưỡi liềm, liên quan đến cấu trúc không bình thường của hemoglobin, và đây là bệnh thường thấy ở trẻ em Châu Phi. Căn bệnh này rất nguy hiểm và thường kèm theo những biến chứng bất ngờ khiến bệnh nhân phải nhập viện thường xuyên.
Những căn bệnh gọi là thalassemias gây ra thiếu máu, phần lớn xảy ra với trẻ em ở Châu Á, Châu Phi, Trung Đông, Hi Lạp và Ý. Trẻ em mắc những căn bệnh trên có lượng hồng cầu ít bất thường, hoặc không đủ hemoglobin. Điều đó có thể dẫn đến bệnh thiếu hồng cầu hoặc những trường hợp nguy hiểm khác.
Cuối cùng, sự thiếu hụt một vài enzim nhất định cũng có thể làm thay đổi chức năng của tế bào hồng cầu, làm nó dễ bị phá huỷ hơn.
Dấu hiệu và triệu chứng
Thiếu máu thường làm da hơi tái nhợt, đặc biệt là ở môi, mi mắt và bề mặt móng tay. Thiếu máu làm trẻ dễ kích động, dễ mệt, thể trạng yếu ớt. Thiếu máu nặng sẽ làm hơi thở ngắn, tim đập nhanh, có thể có phù bàn tay, bàn chân. Nếu thiếu máu tiếp tục phát triển có thể cản trở sự phát triển bình thường của trẻ. Trẻ sơ sinh mắc bệnh thiếu máu tán huyết có thể bị vàng da. Tuy nhiên, cần chú ý là nhiều bé mới sinh cũng có vàng da sinh lý nhẹ và không trở thành thiếu máu.
Nếu con của bạn có một vài dấu hiệu và triệu chứng như trên, hoặc bạn nghi ngờ bé không hấp thụ đủ lượng sắt cần thiết trong khẩu phần ăn của mình, hãy tìm sự tư vấn của chuyên viên nhi khoa của bạn. Một phép thử máu đơn giản có thể chẩn đoán thiếu máu trong hầu hết trường hợp.
Một vài trẻ không bị thiếu máu nhưng vẫn thiếu sắt. Trẻ sẽ cảm thấy ăn bớt ngon, dễ bị kích động, hay làm ầm ĩ và thiếu tập trung. Điều đó có thể hạn chế sự phát triển thể chất hoặc việc học tập của trẻ. Trẻ sẽ hết triệu chứng trên khi được cung cấp chất sắt. Một vài dấu hiệu khác của việc thiếu chất sắt mà có thể không liên quan đến bệnh thiếu máu bao gồm việc ăn những thứ không bình thường, như nước đá, bụi đất, đất sét hoặc bột bắp. Hành động đó, được gọi là pica,không gây hại gì trừ khi trẻ ăn chất độc (ví dụ: chì). Thường thì hành động này sẽ dần cải thiện sau khi chữa trị thiếu sắt và khi trẻ lớn lên, mặc dù nó có thể tái diễn nếu trẻ phát triển thể chất không bình thường.
Trẻ mắc bệnh tế bào hồng cầu hình lưỡi liềm có thể bị những cơn sốt không rõ nguyên nhân hoặc phù cả bàn tay và bàn chân như khi là đứa bé sơ sinh, và các bé vô cùng nhạy cảm với việc chích thuốc. Nếu gia đình bạn có tiểu sử bị bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm hoặc nét tế bào hình lưỡi liềm, hãy chắc chắn rằng con bạn được kiểm tra về căn bệnh đó khi vừa sinh ra.
Mặc dù vài trường hợp của bệnh thalassemia không có triệu chứng, một vài trường hợp tương đối nặng hơn có thể gây nên hôn mê, vàng da, ăn không ngon, phát triển chậm chạp và cơn u uất kéo dài.
Cách chữa trị
Đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều loại bệnh thiếu máu khác nhau, do đó, việc xác định nguồn gốc gây bệnh là cực kì quan trọng trước khi có bất kì hướng chữa trị nào. Đừng cố gắng chữa trị cho trẻ bằng các loại vitamin, chất sắt hay các chất dinh dưỡng khác, cũng đừng tự ý mua thuốc tại các quầy thuốc trừ khi có ý kiến của bác sĩ. Điều này rất quan trọng bởi vì việc tự ý chữa trị như vậy có thể gây khó khăn cho việc phát hiện nguyên nhân thực sự gây bệnh và làm chậm trễ quá trình khám chữa bệnh.
Nếu bệnh thiếu máu là do thiếu sắt thì bé sẽ được cho uống các thuốc bổ sung sắt. Hiện nay có dạng nhỏ dành cho trẻ sơ sinh và có các dạng viên hay dạng nước dành cho các trẻ lớn. Bởi vì “tình trạng thừa chất sắt” xảy ra khi lượng sắt được cung cấp quá mức cần thiết nên bạn rất cần đến bác sĩ nhi khoa để định kì kiểm tra lượng sắt trong máu của con bạn. Đừng ngừng cho bé uống thuốc đến khi bác sĩ bảo không còn cần thiết.
Sau đây là một vài lời khuyên liên quan tới việc dùng thuốc bổ sung sắt:
- Tốt hơn hết là không dùng sữa chung với chất sắt vì sữa làm hạn chế khả năng hấp thụ sắt.
- Vitamin C tăng khả năng hấp thụ sắt, do đó bạn có thể cho bé uống một ly nước cam khi dùng thuốc bổ sung sắt.
- Sử dụng thuốc bổ sung sắt dạng lỏng sẽ làm cho răng của bé tạm thời chuyển sang màu xám đen, hãy giúp bé nuốt chúng một cách nhanh chóng sau đó súc miệng lại với nước. Cũng cần phải đánh răng cho trẻ sau mỗi lần dùng thuốc như vậy. Rắng đổi màu do dùng thuốc do dùng thuốc như vậy cũng chỉ là tạm thời.
- Dùng các thuốc chứa sắt có thể làm cho phân trở nên đậm màu hơn. Đừng lo lắng về hiện tượng này.
Khuyến cáo khi sử dụng thuốc
Thuốc chứa sắt là rất độc hại nếu như dùng quá liều. (Sắt là một trong những nguyên nhân chính gây ngộ độc cho trẻ dưới năm tuổi.). Vì lý do đó, bạn phải để tất cả các thuốc chữa bệnh nói chung và thuốc chứa sắt nói riêng nằm ngoài tầm với của trẻ.
Sự thiếu máu thường được chữa trị bằng cách bổ sung lượng hồng cầu và axit folic.
Biện pháp ngăn ngừa
Tình trạng thiếu sắt và một số chất dinh dưỡng khác có thể được ngăn ngừa dễ dàng bằng việc cho trẻ ăn một chế độ ăn cân bằng và làm theo một số khuyến cáo sau:
- Đừng cho trẻ uống sữa bò cho đến khi trẻ hơn một tuổi.
- Trong thời kì bú mẹ, bé có thể hấp thụ được đủ sắt từ sữa mẹ, nhưng khi bé có thể ăn dặm thì hãy cho bé ăn thêm các thực phẩm chứa sắt như ngũ cốc chẳng hạn. Nếu sau 4 tháng tuổi mà bạn chỉ cho bé bú sữa mẹ thì việc bổ sung sắt là cần thiết. Tuy nhiên, nếu sử dụng các thức ăn dặm làm nghèo sắt có thể làm giảm lượng sắt bé hấp thụ được từ sữa mẹ.
- Dù con của bạn đã được ăn uống đúng cách và sử dụng các thực phẩm khác ngoài sữa thì vẫn cần đến sự bổ sung sắt. Công thức khuyên dùng ở đây là 4-12 mg sắt/lít, bắt đầu từ lúc bé mới sinh cho đến khi được 12 tháng tuổi.
Phải chắc rằng con của bạn có một chế độ ăn hợp lý và được ăn các thực phẩm chứa sắt. Rất nhiều loại hạt và ngũ cốc có chứa nhiều sắt (xem nhãn mác các loại đồ hộp để biết thông tin). Các thực phẩm giàu sắt khác như lòng đỏ trứng, rau có màu vàng hoặc xanh, quả có màu vàng, thịt đỏ, khoai tây, cà chua và nho khô. Ngoài ra, để tăng lượng sắt có trong thực đơn hằng ngày của gia đình bạn, hãy sử dụng các loại nước ép trái câygiữ lại cả phần xơvà nấu khoai tây để cả vỏ.