Dị ứng với thức ăn xảy ra hầu hết với trẻ nhỏ và trẻ em dưới 6 tuổi, cũng như ở những trẻ em bị các loại dị ứng khác hoặc gia đình có người thân (ba mẹ, anh chị em) bị dị ứng
Trong khi nhiều loại thực ăn có thể gây nên dị ứng, bệnh dị ứng với thức ăn lại không phổ biến nhiều như bạn nghĩ. Hiện nay có khoảng 2% dân số và 6-8% trẻ em bị dị ứng thức ăn.
Dị ứng với thức ăn xảy ra hầu hết với trẻ nhỏ và trẻ em dưới 6 tuổi, cũng như ở những trẻ em bị các loại dị ứng khác hoặc gia đình có người thân (ba mẹ, anh chị em) bị dị ứng. Dị ứng có thể xảy ra do bất kì loại thức ăn nào, mặc dù thường chỉ có một thành phần là nguyên nhân chính (xem danh sách ở dưới). Ở một số trường hợp, dị ứng thức ăn chỉ tác động nhẹ nhưng trong một số trường hợp khác, nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng ở một số trẻ và trong một số tình huống hiếm gặp hơn, có thể đe dọa tính mạng của trẻ.
Trong khi bất kì thức ăn nào cũng có thể gây dị ứng, một số ít nguyên liệu liên quan đến đa số các trường hợp dị ứng thức ăn ở bé. Sữa bò là một trong số đó. Những loại thức ăn phổ biến khác liên quan đến việc gây dị ứng là:
- Trứng
- Đậu, hạt cứng như hồ đào, quả hạnh và hạt Brazil
- Đậu tương
- Lúa mì
- Cá (cá ngừ, cá hồi, cá tuyết) các loại giáp xác như tôm, cua, tôm hùm
- Sô cô la
Nếu con bạn bị dị ứng thức ăn, hệ thống miễn dịch của bé sẽ phản ứng một cách thái quá để vô hiệu hóa các chất đạm có trong thức ăn. Khi những thức ăn này được hấp thu, hệ thống miễn dịch của bé sẽ sản sinh ra các kháng thể để chống lại các loại thức ăn này. Trong lúc đó, “histamine” và các chất khác (được gọi là các “hóa chất trung gian”) sẽ được giải phóng để gây ra các triệu chứng dị ứng. Tuy nhiên, bạn có thể làm giảm tình trạng dị ứng thức ăn của con mình bằng việc cho bé bú hoàn toàn sữa mẹ trong 4 tháng đầu, hoặc thậm chí là 6 tháng hoặc hơn.
Một tình trạng nữa, được gọi là tình trạng không dung nạp thức ăn hay nhạy cảm với thức ăn, thường xảy ra hơn là dị ứng thức ăn thực sự. Mặc dù những cụm từ này thường dễ gây nhầm lẫn và thường được sử dụng thay thế cho nhau, thì tình trạng không dung nạp thức ăn là một vấn đề tiêu hóa, gây ra bởi thức ăn chứ không phải bởi hệ thống miễn dịch. Ví dụ như, một đứa trẻ không thể dung nạp đường lactose ( một tình trạng nhạy cảm thức ăn) vì cơ thể bé thiếu enzyme cần thiết để tiêu hóa đường trong sữa, dẫn đến việc đau bụng, chướng bụng và tiêu chảy.
Triệu chứng
Nếu như tình trạng không dung nạp thức ăn có thể gây ra chướng bụng, đau bụng thì các bệnh liên quan đến dị ứng thức ăn tiến triển một cách đột ngột với những triệu chứng như phát ban, sốt, nôn mửa, hay đau bụng ngay sau ăn cũng như các vấn đề về da và tiêu hóa mạn tính. Những triệu chứng này sẽ làm bạn và bác sĩ của bạn nghi ngờ rằng bé đang mắc dị ứng thức ăn.
Những biểu hiện đặc trưng của bệnh dị ứng thức ăn ở một số trẻ bao gồm:
- Vấn đề về da (mẫn đỏ, phát ban, phù nề gây ngứa)
- Vấn đề về hô hấp (hắt hơi, thở khò khè, khó nuốt)
- Vấn đề về tiêu hóa (buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy)
- Vấn đề về tuần hoàn (da xanh xao, đau đầu nhẹ, ngất)
Trong khi một số trẻ sẽ có những phản ứng ngay lập tức với một số thức ăn chỉ trong vài phút thì một số khác triệu chứng có thể xuất hiện sau khoảng 2 giờ sau đó, hoặc hiếm gặp hơn là những trường hợp triệu chứng xuất hiện thậm chí sau vài ngày. Mức độ nặng khi bị dị ứng khác nhau, tuỳ theo tình trạng và độ lan toả đến các cơ quan khác. Nếu các bé bị dị ứng nặng, chỉ cần một lượng nhỏ thức ăn cũng có thể gây ra phản ứng trầm trọng và các nguy cơ tiềm ẩn.
Các phản ứng nặng nhất đối với thức ăn – được gọi là phản ứng quá mẫn – rất hiếm gặp. Nhưng khi xảy ra, chúng có thể tiến triển mà không có bất kì biểu hiện nào, diễn ra rất nhanh và cần được điều trị ngay lập tức. Những triệu chứng thường gặp là:
- Cổ họng và lưỡi sưng lên
- Khó thở
- Thở khò khè
- Hạ huyết áp đột ngột
- Phù vùng đầu, cổ
- Da tái xanh
- Bất tỉnh
Đôi khi thức ăn chứa nhiều axit như nước cam hay sản phẩm làm từ cà chua có thể gây ra phản ứng giống như phát ban ở miệng, khiến nhầm với chứng dị ứng thức ăn. Vài tình trạng khác cũng gây nhầm lẫn như ngộ độc thực phẩm – do vi khuẩn trong thức ăn chưa nấu chín hoặc bị dây bẩn – gây ra tiêu chảy và ói mửa. Ngoài ra, khi trẻ nhỏ ăn quá nhiều đường từ nước trái cây cũng có thể bị tiêu chảy, dễ lầm với phản ứng dị ứng.
Chẩn đoán và theo dõi
Vì dị ứng thức ăn có thể rất trầm trọng, bạn phải báo cho bác sĩ khi nghi ngờ con bạn đang mắc bệnh dị ứng. Để đưa ra lời chuẩn đoán về bệnh tình của bé, các bác sĩ sẽ xem xét lại các mối bận tâm của bạn và sẽ tiến hành một số kiểm tra hay giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa dị ứng để thực hiện thêm các xét nghiệm liên quan. Thỉnh thoảng bệnh của bé rất dễ nhận ra như khi bé bị sốt hoặc lưỡi bé bị sưng lên khi ăn quả hồ đào. Nhưng một số thao tác kiểm tra, bao gồm xét nghiệm lể da và xét nghiệm máu sẽ củng cố nghi ngờ của bác sĩ.
Với xét nghiệm lể da, bác sĩ sẽ để một mẫu tiêu bản thể lỏng thức ăn nghi ngờ gây bệnh lên lưng hoặc cẳng tay của bé. Sau đó bác sĩ sẽ tạo một vết trầy nhỏ, không gây đau đớn lên da bé để mẫu thức ăn có thể xâm nhập vào da. Nếu bé dị ứng với loại thức ăn này, bé sẽ trải qua các phản ứng như sưng hay ngứa ở vị trí đó trong vòng 15 phút.
Xét nghiệm máu sẽ đo được lượng kháng thể dị ứng đối với thức ăn, những kháng thể này được gọi là globulin miễn dịch E, hay là IgE. Một mẫu máu của bé sẽ được lấy đi và đem vào phòng thí nghiệm, nơi nó sẽ được trộn với một số mẫu thức ăn để xem liệu các kháng thể đối với loại thức ăn đó có phát triển không. Kết quả sẽ có khoảng trong 1 đến 2 tuần.
Mặc dù các bác sĩ nhi hay các bác sĩ chuyên khoa dị ứng có thể đề nghị những xét nghiệm này, chúng cũng không phải là những xét nghiệm hoàn chỉnh. Bác sĩ của bạn sẽ bàn bạc với bạn để tạo nên những thực đơn đặc biệt hằng ngày của con bạn, bao gồm những mối bận tâm về phản ứng của bé với một loại thức ăn nào đó; để biết những loại xét nghiệm cần thiết và cách thức sử dụng kết quả thu được. Có thể bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bạn ghi chép lại mọi thứ con bạn ăn hằng ngày và sự phản ứng của bé với những thức ăn đó. Hãy ghi chú cẩn thận và báo với các bác sĩ hay chuyên gia về dị ứng.
Ở một số trẻ, các chuyên gia về dị ứng có thể đề nghị bạn làm một “thực đơn chọn lọc món ăn”. Bạn sẽ được yêu cầu bỏ hẳn các loại thức ăn nghi ngờ gây ra chứng dị ứng cho con bạn trong một thời gian để xem xét về những triệu chứng phụ khi con bạn không còn ăn những loại thức ăn này nữa. Nhiều tuần sau đó, con bạn sẽ ăn lại loại thức ăn trên và bạn sẽ kiểm tra liệu các triệu chứng có tái phát trở lại không. Chế độ chọn lọc món ăn này chỉ nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia và các bác sĩ để chắc chắn rằng con bạn vẫn nhận được đầy đủ dinh dưỡng. Hơn nữa, đôi khi việc ăn lại những loại thức ăn này cần sự đồng ý của bác sĩ; một số chuyên gia thậm chí còn muốn quan sát sự phản ứng của cơ thể bé khi ăn lại loại thức ăn này.
Phương pháp chính để điều trị dị ứng thức ăn đơn giản là tránh cho trẻ ăn các thức ăn gây dị ứng. Ví dụ như nếu bé bị dị ứng với trứng, bác sĩ hay chuyên gia sẽ đề nghị bạn tránh cho bé ăn trứng cho đến khi bé lớn hơn, các bác sĩ kiểm tra lại xem bé có còn bị dị ứng nữa không. Mặc dù protein chứa trong lòng trắng trứng là nguyên nhân gây ra dị ứng nhưng lòng đỏ trứng cũng có thể là nguyên nhân, vì vậy tốt hơn hết là phải tránh xa loại thực ăn này, bao gồm cả các thực ăn chế biến từ trứng.
Thậm chí khi đã loại bỏ những loại thức ăn có khả năng gây dị ứng ở nhà, bạn cũng khó bắt trẻ tránh xa những thứ đó khi chúng ở ngoài vòng chăm sóc của bạn. Khi trẻ lớn hơn, bạn sẽ phải chỉ cho chúng, cũng như bạn bè và cha mẹ bạn bè của chúng, giáo viên của chúng và những người làm nhiệm vụ chăm sóc chúng biết được tầm quan trọng của việc không ăn những những ăn gây ra chứng dị ứng. Mỗi lần bạn đi mua sắm, hãy đọc nhãn hàng và các chất gây dị ứng cho bé, ví dụ như trứng, sữa, đậu phộng và lúa mì. Khi gia đình bạn ăn nhà hàng, bạn hãy yêu cầu được biết thành phần nguyên liệu món ăn. Mặc dù những người phục vụ sẽ sẵn lòng giúp đỡ, nhưng bạn cũng phải xác nhận lại thông tin trên bằng cách nói chuyện với đầu bếp.
Khi điều chỉnh chế độ ăn hàng ngày của bé, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ nhi thường xuyên để biết được các thức ăn thay thế và giữ cân bằng dinh dưỡng. Ví dụ như nếu con bạn dị ứng với sữa, bạn còn bổ sung thêm các loại thức ăn giàu canxi (các loại rau lá màu xanh đậm và đồ uống chứa canxi) trong khẩu phần ăn hằng ngày của bé.
Bạn hãy nhớ rằng không có cách nào chữa bệnh dị ứng và không có phương thuốc nào điều trị dứt bệnh mặc dù việc tránh dùng loại thức ăn nào đó có thể sẽ giúp ích trong việc kiểm soát bệnh. Điều may mắn là trẻ em thường sẽ tự khỏi khi cơ quan miễn dịch của chúng hoàn thiện hơn. Sau đó, các loại thực ăn như trứng và sữa có thể được đưa vào khẩu phần ăn của bé. Tuy nhiên, chỉ làm vậy dưới sự hướng dẫn và giám sát của bác sĩ. Một số chứng dị ứng thực ăn như đậu phộng hay cá thường sẽ không tự khỏi. Vì thế, các bác sĩ của bé sẽ cân nhắc quyết định tiến hành lại các xét nghiệm để biết chắc chắn con bạn không còn dị ứng với chúng nữa!