Thông thường rất khó để phân biệt giữa cảm lạnh bình thường và dị ứng đường hô hấp vì các triệu chứng của hai bệnh này là tương tự nhau. Sau đây là một số triệu chứng của bệnh dị ứng đường hô hấp
Nếu con bạn bắt đầu bị chảy mũi, mắt bé bị ngứa, đỏ và sưng, nhưng ngoài ra không có triệu chứng nào khác của bệnh cảm lạnh hay nhiễm trùng thì bé có thể đã nhiễm phải chứng dị ứng đường hô hấp(còn gọi là Viêm mũi dị ứng). Đây là sự phản ứng của cơ thể đối với các dị ứng nguyên trong môi trường, bao gồm các yếu tố thường gặp nhất như: phấn hoa, mạt nhà, mốc và lông động vật.
Như nhiều chứng dị ứng khác, chứng này thường được di truyền. Như vậy, nếu bạn hay vợ/ chồng bạn mắc chứng này thì con bạn cũng rất có khả năng mắc nó. Tuy nhiên, những triệu chứng có thể không xuất hiện ngay lập tức. Dị ứng đường hô hấp thường không phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi.
Thông thường rất khó để phân biệt giữa cảm lạnh bình thường và dị ứng đường hô hấp vì các triệu chứng của hai bệnh này là tương tự nhau. Sau đây là một số triệu chứng của bệnh dị ứng đường hô hấp:
- Hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa và nhảy mũi
- Chảy nước mắt, ngứa, đỏ và sưng mắt
- Ho
- Xuất hiện vết hằn trên mũi vì bé thường xuyên chùi mũi
- Chảy máu cam hoặc đau quanh mũi
- Xuất hiện vòng thâm đen dưới mắt (quầng thâm mắt)
- Cổ họng luôn đỏ
- Ngáy vào ban đêm và thở bằng miệng vì mũi bị nghẹt
- Mệt mỏi (nguyên nhân là do ban đêm không ngủ được đủ giấc)
- Thường xuyên hắng giọng
- Ho khạc đàm vào ban đêm.
Dị ứng đường hô hấp có thể làm con bạn mắc một số chứng bệnh khác như: dễ dàng bị viêm xoang và viêm tai, hoặc gây ra khó chịu quanh vùng mắt, dễ dẫn đến viêm mắt. Vì những chứng dị ứng kinh niên quấy rầy đến giấc ngủ của trẻ nên trẻ có thể mệt mỏi và hơi khác thường. Nó có thể dẫn đến những vấn đề về cách ứng xử của trẻ.
Chữa trị
Gọi cho bác sĩ nếu chứng dị ứng quấy nhiễu đến giấc ngủ và ảnh hưởng đến các hoạt động khác của bé ở trường và xã hội. Để ngăn chặn và chữa trị các triệu chứng dị ứng, bác sĩ có thể đưa ra nhiều phương án như: kê đơn loại thuốc chữa dị dị ứng, thuốc xịt mũi thuộc nhiều chủng loại và nhiều biện pháp y tế khác. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ đề nghị 1 loại thuốc trị dị ứng, đôi khi kết hợp với thuốc thông mũi hoặc thuốc xịt mũi tùy theo mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Tác dụng phụ thông thường nhất của thuốc chống dị ứng là: gây buồn ngủ, khô miệng, táo bón, giảm sự ngon miệng và đôi khi làm thay đổi hành vi. Thỉnh thoảng, thuốc chống dị ứng sẽ có tác dụng kích thích, gây ra những hành động không bình thường hoặc sự lo lắng ở trẻ. Tuy nhiên, hiện thời có nhiều loại thuốc, bao gồm cả loại cần kê đơn và không cần, không hề gây ra sự hiếu động quá mức cũng như chứng buồn ngủ. Đối với những triệu chứng nghiêm trọng hoặc dai dẳng, bác sĩ có thể đề nghị thêm loại thuốc xịt mũi yêu cầu có kê đơn để dùng hằng ngày, giúp ngăn chặn các triêu chứng.
Bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc thông mũi dạng nhỏ hay xịt được bày bán rộng rãi nhưng không được sử dụng quá 3 ngày. Sau vài ngày sử dụng, loại thuốc này thực sự còn làm mũi phù nề nặng hơn thay vì giảm bớt. Điều đáng nói là sự phù nề tăng lên này có thể gây khó chịu hơn và khó điều trị hơn là tình trạng dị ứng ban đầu. Nếu mắt bé bị sưng, ngứa và đỏ, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc chống dị ứng kèm theo thuốc nhỏ mắt.
Có lẽ cách tốt nhất mà chúng ta có thể làm để chữa chứng dị ứng của trẻ là tránh các nguồn gây bệnh từ nhà nếu có thể.
Đối với những trường hợp dị ứng nặng, các bác sĩ chuyên khoa dị ứng có thể sẽ đề nghị cho con bạn tiêm dị ứng nguyên để giảm sự nhạy cảm của bé đối với các chất gây dị ứng. Tuy nhiên, cách chữa trị này thường không dùng cho những bé dưới 5 tuổi. Các bé sẽ được tiêm đều đặn (thường là mỗi tuần) các dị ứng nguyên dạng pha loãng với liều tăng dần để giúp bé quen dần và giảm đi đáp ứng dị ứng.