Có nhiều quan niệm sai lầm hoặc các phương pháp dân gian về cách trị chảy máu mũi
Con của bạn chắc chắn từng một lần bị chảy máu mũi trong những năm đầu. Những trẻ đang tuổi học mẫu giáo có thể bị chảy máu mũi vài lần trong tuần. Việc này không có gì là bất thường hay nguy hiểm cả, nhưng có thể rất đáng sợ với trẻ. Nếu máu chảy từ sau mũi xuống miệng và cổ họng thì trẻ có thể sẽ nuốt vào một lượng lớn máu dẫn đến tình trạng ói mửa.
Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu mũi ở trẻ, nhưng hầu hết là không nghiêm trọng. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:
- Cảm lạnh và dị ứng: một cơn cảm lạnh hay dị ứng có thể làm cho phần trong của mũi bị sưng tấy và dẫn đến chảy máu tự phát.
- Chấn thương: một đứa trẻ có thể bị chảy máu mũi nếu cứ đưa tay vọc mũi hay nhét thứ gì đó vào, hay thậm chí là chỉ do thở quá mạnh. Chảy máu mũi cũng có thể xảy ra khi bé bị một trái bóng hay vật nào đó bay trúng mặt và khi bé bị ngã va trúng mũi.
- Độ ẩm thấp hay hơi độc: Nếu gia đình bạn sống trong khí hậu khô nóng thì lớp mô phủ bên trong mũi trẻ có thể bị khô và chảy máu. Nếu trẻ thường xuyên tiếp xúc với hơi độc (may mắn là trường hợp này hiếm khi xảy ra) thì trẻ cũng có nguy cơ bị chảy máu mũi.
- Những vấn đề về cơ thể: bất kì cấu trúc bất thường nào trong mũi cũng có thể dẫn tới chảy máu mũi.
- Những mô phát triển bất thường: bất kì sự phát triển bất thường nào của mô nơi mũi cũng có thể dẫn đến chảy máu. Tuy rằng hầu hết những mô phát triển bất thường này (thường là những khối u) là lành tính nhưng cũng cần được chữa trị càng sớm càng tốt.
- Máu khó đông: bất kì yếu tố nào ngăn cản máu đông cũng có thể gây nên chảy máu mũi. Các loại thuốc, dù là thông dụng nhất như aspirin, cũng có thế biến đổi cơ chế đông máu dẫn đến chảy máu. Những bệnh về máu, như bệnh máu khó đông, đều có thể gây ra chảy máu mũi.
- Các căn bệnh mãn tính: trẻ mang bệnh mãn tính hoặc những trẻ cần nhiều oxi hay thường uống các loại thuốc có tác dụng phụ làm khô lớp mô trong mũi đều có nguy cơ bị chảy máu mũi nhiều hơn bình thường.
ĐIỀU TRỊ
Có nhiều quan niệm sai lầm hoặc các phương pháp dân gian về cách trị chảy máu mũi. Dưới đây là một số điều nên và không nên làm khi trẻ bị chảy máu mũi:
Nên…
- Giữ bình tĩnh vì chảy máu mũi có thể trông rất đáng sợ nhưng thật ra không nguy hiểm.
- Giữ trẻ ngồi hoặc đứng yên với đầu hơi nghiêng về phía trước. Sau đó bảo trẻ nhẹ nhàng xì mũi nếu trẻ đã đủ lớn.
- Bóp nhẹ phần chóp mũi bằng ngón cái và ngón trỏ, giữ nguyên trong 10 phút. Nếu trẻ đủ lớn hãy để trẻ tự làm. Điều quan trọng là đừng thả ra để kiểm tra xem máu còn chảy hay không nếu chưa đủ 10 phút.
Sau 10 phút hãy dần dần buông ra và đợi, nếu máu vẫn tiếp tục chảy hãy lặp lại động tác trên. Sau 10 phút nữa mà máu vẫn không ngừng hãy gọi cho bác sĩ hoặc đưa bé đến phòng cấp cứu gần nhất.
Không nên…
- Hoảng loạn bởi bạn sẽ làm trẻ sợ.
- Cho trẻ nằm xuống hoặc ngửa đầu ra sau.
- Nhét khăn giấy, gạc hoặc bất cứ gì khác vào mũi để ngăn máu chảy.
Ngoài ra , hãy gọi cho bác sĩ nếu:
- Bạn nghĩ rằng trẻ đã mất quá nhiều máu. (Nhưng nên nhớ rằng khi màu chảy từ mũi thì trông có vẻ rất nhiều)
- Máu chỉ chảy ra từ miệng trẻ, hoặc bé ho khạc hay ói ra máu hoặc những thứ màu nâu trông như bã cà phê.
- Con bạn bỗng nhiên tím tái và đổ mồ hôi lạnh hoặc không có phản ứng khi được gọi. Trong trường hợp này, hãy gọi bác sĩ và mang bé đến phòng cấp cứu ngay.
- Bé chảy rất nhiều máu và nghẹt mũi kéo dài. Điều này có nghĩa là bé có những mạch máu nhỏ và rất dễ vỡ ở mũi hoặc trên lớp mô bề mặt bên trong mũi, hoặc cũng có thể là do một khối u trong đường thở.
Nếu vỡ mạch máu là nguyên nhân thì bác sĩ sẽ dùng một chất hóa học (bạc nitrat) để làm liền vị trí bị vỡ nhằm ngăn chảy máu.
PHÒNG NGỪA
Nếu con bạn bị chảy máu mũi nhiều lần, hãy yêu cầu bác sĩ cho trẻ dùng nước muối nhỏ mũi mỗi ngày. Việc này sẽ rất có ích nếu gia đình bạn sống trong khí hậu khô nóng hoặc khi lò sưởi đang bật. Ngoài ra, máy tạo hơi ẩm cũng sẽ giúp điều hòa độ ẩm trong nhà, tránh trường hợp đường thở của bé trở nên quá khô. Cũng nên dặn trẻ không nên ngoáy mũi.