Bệnh tiêu chảy

Thỉnh thoảng đi cầu ra phân lỏng không có gì bất bình thường, tuy nhiên nếu mẫu phân thải ra đột nhiên đổi thành phân lỏng, phân nước và xảy ra thường xuyên hơn bình thường thì trẻ đã bị tiêu chảy.

Bình thường, tần suất đi đại tiện của trẻ rất khác nhau, phụ thuộc vào tuổi tác và chế độ dinh dưỡng dành cho mỗi trẻ. Trẻ mới sinh bú sữa mẹ thải phân nhỏ có thể đi cầu tới 12 lần một ngày, nhưng đến khi bé được 2, 3 tháng tuổi, sẽ có nhiều ngày bé không thải phân. Hầu hết các bé dưới 1 tuổi thải ít hơn 5 ounces (150 ml) phân mỗi ngày, trong khi những bé lớn hơn có thể thải tới 7 ounces (210 ml). Khi 2 tuổi, hầu hết trẻ chỉ đi cầu 1 hoặc 2 lần một ngày, nhưng vẫn có thể có vài lần đi phân nhỏ hơn và điều đó cũng bình thường, đặc biệt khi khẩu phần của trẻ có nước trái cây hoặc các thực phẩm chứa chất xơ như mận đỏ hoặc ngũ cốc.

Thỉnh thoảng đi cầu ra phân lỏng không có gì bất bình thường, tuy nhiên nếu mẫu phân thải ra đột nhiên đổi thành phân lỏng, phân nước và xảy ra thường xuyên hơn bình thường thì trẻ đã bị tiêu chảy.

Bệnh tiêu chảy xảy ra khi thành trong của ruột bị tổn thương. Phân trở nên lỏng bởi vì ruột không tiêu hóa và hấp thu một cách hợp lí các chất dinh dưỡng từ thức ăn mà trẻ ăn hoặc uống. Thành ruột bị tổn thương cũng dẫn đến mất nước và kéo theo việc mất các chất khoáng và muối.

Tình trạng sẽ còn tồi tệ hơn nếu trẻ được cho ăn hoặc uống những thứ chứa hàm lượng đường lớn như đường trong nước trái cây, thức uống ngọt, bởi vì đường không hấp thu được sẽ hút nhiều nước hơn vào ruột, làm tăng tiêu chảy.

Khi cơ thể bị thất thoát quá nhiều nước và muối, tình trạng mất nước sẽ xảy ra. Điều này có thể được ngăn chặn bằng cách bổ sung những chất đã mất do tiêu chảy với một lượng đầy đủ nước và muối mà ta sẽ bàn đến dưới đây.

Những nguyên nhân của bệnh tiêu chảy bao gồm sự nhiễm vi rút và vi khuẩn ở ruột. Trẻ bị tiêu chảy do vi rút thường có những triệu chứng như nôn mửa, sốt và cũng dễ nổi cáu. Phân của trẻ hay có màu vàng hơi xanh và một lượng nước đáng kể kèm theo. (Nếu trẻ cứ bị như vậy 1 giờ 1 lần thì trẻ sẽ không có phân đặc nữa).

Nếu phân có màu đỏ hoặc hơi đen thì có thể là phân có máu, sự xuất huyết này có thể do thành ruột bị tổn thương, hoặc có nhiều khả năng là do trực tràng bị sưng tấy vì đi cầu lỏng thường xuyên. Trong nhiều trường hợp, nếu bạn chú ý đến điều này hoặc bất kì màu phân bất thường nào khác, bạn nên thông báo cho bác sĩ.

Những nguyên nhân của bệnh tiêu chảy

Ở các trẻ nhỏ, sự tổn thương ruột mà gây ra bệnh tiêu chảy thường do vi rút có tên gọi “enteroviruses”. Những nguyên nhân khác là:

  • Nhiễm vi rút Rota
  • Vi khuẩn (Salmonella, Shigella, E.coli, Campylobacter)
  • Nhiễm kí sinh trùng (Giardia)
  • Ngộ độc thực phẩm (từ những thứ như nấm, hải sản có vỏ, hoặc thức ăn bị nhiễm bẩn)
  • Những tác dụng phụ của đơn thuốc dạng uống ( hầu như thường là thuốc kháng sinh)
  • Dị ứng thức ăn hoặc sữa
  • Nhiễm trùng ngoài hệ đường ruột, bao gồm hệ tiết niệu, hệ hô hấp và thậm chí là tai giữa (nếu con bạn đang dùng thuốc kháng sinh cho những bệnh loại này, bệnh tiêu chảy có thể sẽ trầm trọng hơn).

Cách điều trị

Không có phương thức điều trị nào hiệu quả trong việc điều trị nhiễm vi rút đường ruột, loại bệnh dẫn đến đa số các trường hợp tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Các đơn thuốc của bác sĩ chỉ được dùng để điều trị những trường hợp nhiễm các loại vi khuẩn, kí sinh ít phổ biến hơn. Khi nhận thấy tình trạng gần đây nhất có vấn đề, bác sĩ sẽ yêu cầu kiểm tra mẫu phân trong phòng thí nghiệm, những xét nghiệm khác cũng có thể được thực hiện.

Những dược phẩm kháng tiêu chảy được bán không cần toa của bác sĩ không được khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 2 tuổi và nên dùng một cách thận trọng với những trẻ lớn hơn. Chúng thường làm tổn thương ruột và làm cho nước và muối bị giữ lại trong ruột. Với những loại dược phẩm này, con bạn có thể bị mất nước mà bạn không nhận thức được vì bệnh tiêu chảy có vẻ đã chấm dứt. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con bạn dùng bất cứ thuốc trị tiêu chảy nào.

Tiêu chảy nhẹ

Nếu con bạn bị tiêu chảy với lượng ít, không bị mất nước, không có sốt cao, vẫn hoạt động nhiều và cảm thấy đói thì bạn không cần phải thay đổi chế độ ăn của trẻ.

Nếu con bạn bị tiêu chảy nhẹ và nôn mửa, hãy dùng dung dịch chất điện phân có thể mua được ngoài tiệm thuốc thay thế cho thức ăn thường ngày của trẻ. Bác sĩ khuyến cáo dùng các dung dịch này với hàm lượng nhỏ, thường xuyên để giữ lượng mước và muối trong cơ thể bình thường đến khi không còn nôn mửa nữa. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng này sẽ dừng trong 1 đến 2 ngày. Một khi tình trạng nôn mửa giảm, hãy từ từ bắt đầu lại khẩu phần ăn bình thường.

Đừng bao giờ cho trẻ bị tiêu chảy uống sữa đun sôi (sữa tách béo hay bất kì sữa nào khác). Đun sôi sữa làm nước bay hơi, để lại phần còn lại với hàm lượng cao muối và khoáng chất rất nguy hiểm. Trên thực tế, bạn thậm chí cũng không nên cho một trẻ khỏe mạnh uống sữa đun sôi.

Tiêu chảy nặng

Nếu con bạn đi ra phân lỏng mỗi 1 tới 2 giờ, hoặc thường xuyên hơn, và hoặc có dấu hiệu mất nước hãy hỏi ý kiến của bác sĩ. Bác sĩ có thể khuyên bạn không cho trẻ ăn các thức ăn rắn trong vòng ít nhất 24 giờ và tránh những loại nước nhiều đường (thạch Jell-O, nước ngọt, nước trái cây nguyên chất, hoặc các thức uống bỏ đường hóa học), nhiều muối (nước dùng đóng hộp) hoặc rất ít muối (nước và trà). Bác sĩ có lẽ sẽ nhờ bạn cho con bạn dùng những dung dịch chất điện phân pha sẵn với độ cân bằng lý tưởng giữa muối và khoáng chất trên thị trường. Các bé còn bú mẹ được điều trị theo một kiểu giống nhau trừ trong trường hợp quá nhẹ, trẻ vẫn có thể tiếp tục bú sữa mẹ.

Hãy nhớ rằng, nếu con bạn bị bệnh tiêu chảy thì việc giữ cho trẻ không bị mất nước là rất quan trọng. Nếu trẻ có bất kì dấu hiệu bị mất nước nào (như tã khô hơn, không khóc, mắt hoặc thóp đầu trũng sâu), hãy gọi ngay cho bác sĩ, không cho trẻ ăn hay uống sữa đến khi được bác sĩ hướng dẫn thêm. Liên lạc với bác sĩ nếu trẻ trông có vẻ bệnh và các triệu chứng không cải thiện theo thời gian. Hãy đưa con bạn tới bác sĩ hoặc phòng cấp cứu gần nhất, nếu bạn nghĩ trẻ có dấu hiệu bị mất nước trầm trọng. Trong lúc chờ đợi, hãy cho con bạn uống dung dịch chất điện phân pha sẵn có bán trên thị trường.

Đối với việc mất nước nghiêm trọng, việc nhập viện đôi khi được xem là cần thiết để trẻ có thể được truyền nước vào tĩnh mạch. Trong những trường hợp nhẹ hơn, tất cả những điều cần thiết là cho con bạn uống dung dịch chất điện phân thay thế theo hướng dẫn của bác sĩ.

Riêng những bé bú mẹ thì ít có khả năng phát triển bệnh tiêu chảy nặng. Nếu bé sơ sinh bú mẹ phát triển bệnh tiêu chảy, bạn vẫn có thể tiếp tục cho bé bú mẹ, chỉ bổ sung thêm dung dịch chất điện phân nếu bác sĩ thấy cần thiết. Nhiều bé vẫn có thể không bị mất nước khi chỉ bú sữa mẹ.

Khi con bạn đã dùng dung dịch chất điện phân trong 12-24h và bệnh tiêu chảy đã thuyên giảm, bạn có thể từ từ mở rộng khẩu phần ăn của trẻ với các món như nước sốt táo, lê, chuối, gelatin các vị, với mục tiêu cho trẻ quay trở lại với chế độ ăn bình thường sau một vài ngày điều trị. Với trẻ lớn hơn 1 tuổi, không nên cho uống sữa trong 1-2 ngày đến khi bệnh tiêu chảy bắt đầu được cải thiện. Đối với trẻ uống sữa bột, bạn pha sữa bột với gấp đôi lượng nước bình thường để làm giảm nồng độ sữa bột trong vài lần ăn, đến khi bệnh tiêu chảy gần hết, sau đó có thể pha như bình thường. (Thêm một lượng vừa đủ nước vào sữa bột đậm đặc bình thường của con bạn). Khi hiện tượng nôn mửa và tiêu chảy cải thiện, một đứa trẻ lớn tuổi hơn có thể ăn những lượng nhỏ thức ăn lạt như cơm, bánh mì nướng, khoai tây và ngũ cốc, và nên chuyển tới chế độ ăn thích hợp với độ tuổi ngay khi có thể. Bạn cũng có thể tiếp tục cho trẻ uống dung dịch thay thế chất điện phân nếu con bạn thích hoặc nếu bình thường trẻ không uống đủ nước.

Thường thì trẻ không cần thiết phải kiêng ăn quá 24 tiếng đồng hồ, vì trẻ cần những chất dinh thường thông thường để bắt đầu khôi phục sức lực đã mất. Sau khi bạn đã bắt đầu cho trẻ ăn lại, phân trẻ có thể vẫn còn lỏng, nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là mọi việc không diễn biến tốt. Hãy chờ đợi sự năng động hơn, ăn ngon miệng hơn, đi tiểu thường hơn, và không còn dấu hiệu mất nước nữa. Khi bạn thấy được những điều này có nghĩa là con bạn đang khỏe lên.

Bệnh tiêu chảy kéo dài hơn 2 tuần (tiêu chảy mãn tính) có thể báo hiệu một vấn đề về đường ruột nghiêm trọng hơn. Khi bệnh tiêu chảy kéo dài như thế, bác sĩ sẽ muốn làm thêm nhiều xét nghiệm để xác định nguyên nhân và để chắc chắn con bạn không trở nên suy dinh dưỡng. Nếu suy dinh dưỡng trở thành vấn đề, bác sĩ có thể đề nghị một chế độ dinh dưỡng đặc biệt hoặc một loại sữa bột đặc biệt.

Nếu con bạn uống quá nhiều nước, đặc biệt là nước trái cây hoặc các loại nước có đường như đã đề cập ở phần trước, tình trạng thường được nhắc đến như bệnh tiêu chảy ở trẻ đã chập chững biết đi có thể xảy ra. Điều này gây ra việc tiếp tục đi ra phân lỏng nhưng không ảnh hưởng tới sự thèm ăn, sự phát triển của trẻ hay sự mất nước. Mặc dù bệnh tiêu chảy ở trẻ đã biết đi không nguy hiểm nhưng bác sĩ có thể đề nghị bạn hạn chế lượng nước trái cây hoặc nước ngọt mà trẻ uống (việc hạn chế nước trái cây luôn là một ý kiến hay). Bạn có thể cho trẻ uống nước lọc, nếu lượng sữa và chế độ ăn uống hàng ngày không làm thỏa mãn cơn khát của trẻ.

Khi bệnh tiêu chảy xảy ra cùng với nhiều triệu chứng khác, nghĩa là đang xảy ra một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Báo ngay cho bác sĩ nếu bệnh tiêu chảy đi kèm với bất kì dấu hiệu nào dưới đây:

  • Sốt kéo dài hơn 24 tới 48 tiếng
  • Phân có máu
  • Nôn mửa kéo dài hơn 12 tới 24 tiếng
  • Nôn ra các chất có màu xanh, nhuốm máu hoặc giống như màu cà phê đất
  • Bụng căng phồng
  • Không chịu ăn uống
  • Đau bụng dữ dội
  • Phát ban hoặc bị vàng da (vàng da hoặc mắt)

Nếu con bạn đang có bệnh khác hoặc đang được chữa trị, tốt nhất hãy nói với bác sĩ về bất cứ dấu hiệu tiêu chảy nào kéo dài hơn 24h mà không có dấu hiệu tiến triển, hoặc bất cứ điều gì bạn lo lắng.

Cách phòng chống

Những hướng dẫn sau đây sẽ giúp làm giảm nguy cơ con bạn bị mắc bệnh tiêu chảy.

1. Hầu hết các trường hợp lây nhiễm tiêu chảy đều thông qua con đường trực tiếp từ tay vào miệng sau khi tiếp xúc với môi trường bị nhiễm khuẩn từ phân. Hầu hết các trường hợp xảy ra ở trẻ không được dạy đi vệ sinh đúng cách. Bạn nên nâng cao việc vệ sinh cá nhân của bé (như rửa tay sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã, trước khi cầm thức ăn) và các biện pháp vệ sinh các vật dụng ở nhà hay ở trường học.

2.Tránh uống sữa chưa qua sử lí và các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.

3. Tránh việc dùng thuốc khi không cần thiết, đặc biệt là sử dụng kháng sinh.

4. Cho trẻ bú sữa mẹ trong suốt thời kì đầu trong giai đoạn phát triển.

5. Giới hạn lượng nước trái cây và thức uống có đường.

6. Đảm bảo rằng bé đã được tiêm vacxin chống virút Rota, vốn là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh tiêu chảy và nôn mửa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

BẢNG ƯỚC LƯỢC NHU CẦU DÙNG THUỐC
DẠNG UỐNG & CHẤT ĐIỆN PHÂN THEO TRỌNG LƯỢC CƠ THỂ

1pound = 0.45kg
1 ounce =30ml

Thể trọng (tính theo pound)

Lượng nước tối thiểu một ngày (tính theo ounce)*

Lượng dung dịch chất điện phân đối với tiêu chảy nhẹ (tính theo ounce trong 24h)

6-7

10

16

11

15

23

22

25

40

26

28

44

33

32

51

40

38

61

*Lưu ý: Đây là lượng nước nhỏ nhất mà một đứa trẻ bình thường cần. Hầu hết trẻ uống nhiều hơn lượng này.

Viết một bình luận