Những món quà dành tặng con

Tình yêu của bạn dành cho con là bất biến, không thể chối cãi, và nó thể hiện qua cách bạn truyền đạt, đặc biệt khi con cư xử không đúng cách và cần được chỉ bảo

Là cha mẹ của con, bạn cũng có nhiều món quà để tặng lại. Có những thứ không dễ thấy được, nhưng tất cả đều rất lớn lao. Những thứ này biến bạn trở thành cha mẹ tốt, và nhận được nó, con bạn sẽ trở thành một người khỏe khoắn, vui vẻ và giỏi giang.

Tình yêu vô điều kiện.

Tình yêu là điểm nòng cốt trong mối quan hệ với trẻ. Nó cần thể hiện trong cách dạy con. Khi con yêu bạn không đòi hỏi, bạn cũng phải đáp lại bằng tình yêu và sự tán thưởng. Tình yêu của bạn không nên phụ thuộc vào cách con thể hiện, cư xử. Nó không phải là phần thưởng để có thể thu lại như một cách đe dọa. Tình yêu của bạn dành cho con là bất biến, không thể chối cãi, và nó thể hiện qua cách bạn truyền đạt, đặc biệt khi con cư xử không đúng cách và cần được chỉ bảo. Tình yêu phải được tách khỏi những cảm xúc tức giận hay thất vọng. Không bao giờ được cư xử lẫn lộn, lung tung với trẻ con. Càng cảm nhận được sự an toàn trong tình yêu của bạn, lớn lên bé càng cảm thấy tự tin.

Lòng tự trọng.

Một trong những món quà quan trọng từ cha mẹ là giúp con phát triển lòng tự trọng. Đó không phải là một quá trình dễ dàng và nhanh chóng. Tự trọng, tin cậy, niềm tin vào ai đó, là những khối hợp nhất để xây dựng lòng tự trọng. Cần phải mất một thời gian dài để hình thành vững chắc. Con bạn cần sự ủng hộ, động viên để khám phá ra những thế mạnh của mình. Bé cần bạn tin tưởng để có thể tập tin vào chính mình. Yêu con, dành thời gian bên con, lắng nghe con, khen ngợi tài năng của con đều nằm trong tiến trình. Mặt khác, giúp con sửa đổi cách cư xử không đúng bằng những cách mà không phải để trừng phạt hay gây tổn thương cũng rất quan trọng trong việc xây dựng lòng tự trọng. Nếu bé tin chắc vào tình yêu, sự ngưỡng mộ, sự kính trọng của bạn, bé sẽ dễ dàng phát triển lòng tự trọng rắn chắc mà bé cần để tăng hạnh phúc và tình cảm lành mạnh.

Giá trị truyền thống.

Bất kể bạn đã cực kỳ cố gắng trong việc truyền đạt lại những giá trị truyền thống cho con bạn, chắc chắn bé chỉ học được khi sống cùng bạn. Bé để ý xem bạn tuân thủ công việc như thế nào, có niềm tin sâu sắc đến cỡ nào, và bạn có làm những gì bạn nói hay không. Bé sẽ tham gia vào những nghi lễ và truyền thống gia đình, và nghĩ về ý nghĩa của những việc đó. Bạn không thể mong đợi hoặc đòi hỏi con bạn tán thành tất cả ý kiến của bạn, nhưng bạn có thể thể hiện niềm tin một cách chân thật, rõ ràng, sâu sắc, hòa hợp với lứa tuổi của con và sự trưởng thành của mình. Hãy cho con lời khuyên và sự ủng hộ chứ không chỉ là mệnh lệnh. Khuyến khích những câu hỏi tranh luận trong giới hạn độ tuổi và ngôn từ cho phép, thay vì cố gắng áp đặt những giá trị của mình lên con cái. Nếu những niềm tin của bạn hợp lý, và nếu bạn trung thành với nó, con bạn dĩ nhiên sẽ chấp nhận. Nếu bạn có hành động mâu thuẫn, thường thì con bạn sẽ nói với bạn khéo léo qua cách cư xử, còn khi lớn hơn, bé sẽ tỏ thái độ thẳng thừng. Con đường phát triển những giá trị không bằng phẳng và không phải luôn đúng hướng. Nó đòi hỏi sự linh hoạt dựa trên những nền móng vững chắc. Tự nhận thức, sự sẵn sàng lắng nghe trẻ con và thay đổi nếu chính đáng, và, hơn tất cả, sự thể hiện các cam kết truyền thống sẽ trợ giúp đắc lực nhất cho mối quan hệ giữa bạn và bé. Cuối cùng thì sự lựa chọn các giá trị và nguyên tắc sẽ do con bạn quyết định, và nó phụ thuộc vào cách bạn đã đặt nền cho con như thế nào, thông qua những suy nghĩ, những ý kiến chia sẻ, và, hầu hết, là những hành động và việc làm của bạn.

Niềm vui sống.

Con bạn không cần phải được dạy vui vẻ, nhưng bé cần sự cổ vũ, động viên để có thể tự do phát triển sự hăng hái bẩm sinh. Bạn càng vui vẻ khi ở cùng con, bé càng háo hức đối mặt với cuộc sống thú vị này. Khi bé nghe nhạc, bé sẽ nhún nhảy theo. Khi mặt trời tỏa sáng, bé sẽ ngửa mặt nhìn trời. Khi bé thấy vui, bé sẽ cười. Tính này thường được bày tỏ qua sự chăm chú và tò mò, sẵn sàng thám hiểm nhưng nơi mới, những điều mới, háo hức hòa vào thế giới xung quanh, kết hợp chặt chẽ hình ảnh, vật thể, con người trong tư duy phát triển của bé. Hãy nhớ rằng những đứa trẻ khác nhau có những tính khí khác nhau, một số đứa nhìn bề ngoài tình cảm hơn, một số dễ nổi nóng, một số khôi hài, một số lại dè dặt và trầm lặng. Cũng có nhiều đứa không hẳn là nhóm nào, có thể pha trộn giữa hai tính cách khác nhau. Nhưng tất cả trẻ con đều biểu đạt niềm vui sướng bằng những cách riêng của mình. Nhiệm vụ của các vị phụ huynh là tìm hiểu những cách đó là gì và sẽ chăm chút niềm vui của con.

Sức khỏe tốt.

Sức khỏe của con bạn phụ thuộc vào sự chăm sóc, dạy dỗ của bạn suốt những năm đầu đời. Bạn bắt đầu suốt thời kỳ mang thai bằng cách chăm sóc thật tốt cho bản thân mình, sắp xếp sẵn sự chăm sóc ở cả khoa sản và khoa nhi. Đưa con đến bác sĩ thường xuyên để kiểm tra và hỏi ý kiến, bảo vệ con an toàn, cung cấp thức ăn dinh dưỡng, khuyến khích tập thể dục bắt đầu từ lúc tuổi thơ, bạn giúp con có một cơ thể khỏe mạnh. Bạn cũng cần duy trì những thói quen tốt cho sức khỏe, tránh những thói quen không tốt như hút thuốc, uống rượu bia, dùng ma túy, không hoạt động thể chất đầy đủ. Bằng cách này, bạn sẽ cho con bạn một tấm gương về sức khỏe để noi theo khi bé lớn lên.

Môi trường an toàn.

Tất nhiên bạn muốn cho con bạn một mái ấm thoải mái và an toàn. Có nghĩa là nó không chỉ là một nơi ấm áp để ngủ hay là có một bộ sưu tập đồ chơi. Nó là nơi che chở về thể chất cũng như tinh thần, không có những căng thẳng, chỉ đầy sự vững chắc và tình yêu thương. Con bạn có thể gặp nhiều vấn đề với các thành viên khác trong gia đình, và có thể rất khó chịu, vậy nên quan trọng là tất cả những vấn đề gia đình, dù là những mâu thuẫn nhỏ, cần được giải quyết trực tiếp và nhanh chóng. Chuyện này có lẽ cần tìm kiếm lời khuyên, nhưng hãy nhớ, sự giúp đỡ của gia đình sẽ nuôi dưỡng môi trường xúc tiến sự phát triển của con bạn, cho bé phát huy khả năng của mình. Cách gia đình đối mặt với những mâu thuẫn và khác biệt sẽ giúp bé cảm nhận được sự an toàn trong khả năng kiểm soát mâu thuẫn và những bất đồng, cho bé những ví dụ thực tế để áp dụng khi gặp thử thách.

Kỹ năng và năng lực.

Khi con bạn lớn lên, bé sẽ dành nhiều thời gian để phát triển và trau dồi những kỹ năng và năng lực khác nhau ở tất cả lĩnh vực trong đời sống của mình. Bạn nên giúp con nhiều nhất có thể bằng cách động viên con và cung cấp những công cụ cũng như sự hướng dẫn cần thiết. Sách báo, tạp chí, trò chơi tập thể, và nhà trẻ sẽ nhanh chóng đóng vai trò trung tâm khi đứa con bé bỏng của bạn vào nhà trẻ. Không được phép quên những công cụ học tập quan trọng nhất: Con bạn sẽ học tốt nhất khi bé cảm thấy an toàn, tin tưởng và được yêu thương; bé sẽ học tốt nhất khi thông tin được cung cấp cho bé một cách tích cực. Chơi đùa là cách tốt nhất để dạy con thông qua ngôn ngữ của chúng-ngôn ngữ của trò chơi. Trẻ nhỏ học rất nhiều qua những trò chơi, đặc biệt khi chơi với cha mẹ hay chơi với bạn. Việc trải nghiệm thực tế cũng là một cách thu thập thông tin tốt nhất. Điều này có nghĩa là trẻ sẽ học bằng cách khám phá con người, địa lý, hoạt động và trải nghiệm. Một số thông tin khác thì học qua những câu chuyện, truyện tranh, tạp chí, sách báo… Trẻ cũng có thể học bằng cách quan sát – quan sát bạn, quan sát những đứa trẻ hoặc người lớn khác. Nhà trẻ cũng giúp con bạn phát triển và hòa nhập xã hội nhanh chóng.

Nếu bạn thích học và khám phá niềm vui với con, bé sẽ sớm nhận ra cách tận hưởng niềm vui cũng như mang đến niềm vui cho bạn và những người khác. Điểm mấu chốt là cho con cơ hội và để bé chọn cách học phù hợp và tốt nhất cho bản thân mình.

Viết một bình luận