Bệnh viêm gan

Bệnh viêm gan ở trẻ em hầu hết được gây ra bởi một số vi rút nhất định. Ở trẻ em, bệnh có thể không có triệu chứng gì hoặc có thể gây sốt, vàng da, ăn không ngon, thấy buồn nôn và nôn mửa. Có ít nhất 6 dạng viêm gan, được phân loại theo loại vi rút gây bệnh.

Những dạng thường gặp nhất gồm:

  1. Viêm gan A, còn được gọi là bệnh viêm gan lây nhiễm hay bệnh dịch vàng da. Tiêm chủng phòng bệnh được khuyến cáo cho tất cả trẻ em 1 năm tuổi, tiêm 1 mũi bổ sung từ 6-12 tháng sau.
  2. Viêm gan B, còn được biết như bệnh viêm gan huyết thanh hay bệnh vàng da do truyền máu. Chủng ngừa bây giờ được khuyến cáo cho tất cả trẻ sơ sinh.
  3. Viêm gan C, là một nguyên nhân quan trọng gây bệnh viêm gan mãn tính. Hiện nay chưa có vắc xin phòng ngừa.

Khoảng một nửa các trường hợp viêm gan là do vi rút viêm gan B gây ra, phần còn lại, gần một nửa là do vi rút viêm gan A, còn lại hầu như là do vi rút viêm gan C. Điều may mắn là hầu như tất cả các trẻ được tiêm phòng viêm gan A và B (xem ở trên), số ca mắc bệnh đang giảm dần.

Trẻ em, đặc biệt là các trẻ thuộc những nhóm kinh tế xã hội thấp, bị nhiễm viêm gan A nhiều nhất. Tuy nhiên, do trẻ không có triệu chứng nhiễm bệnh đặc hiệu nên bệnh thường không được phát hiện.

Viêm gan A có thể truyền trực tiếp từ người này sang người khác hoặc qua đồ ăn thức uống có chứa mầm bệnh. Thông thường, phân người chứa vi rút, vì vậy trong quá trình chăm sóc trẻ hay dọn dẹp nhà cửa, bệnh có thể lây lan khi tay không được rửa sạch sau khi đi đại tiện, sau khi thay tã cho bé bị nhiễm bệnh. Bất kì ai uống nước bị nhiễm phân của người bệnh hay ăn sống các loại hải sản có vỏ ở các vùng nước bị ô nhiễm cũng có thể bị nhiễm bệnh. Sau 2 đến 6 tuần nhiễm viêm gan A thì một đứa trẻ mới phát bệnh và thường sẽ khỏi trong vòng 1 tháng kể từ khi mắc bệnh.

Mặc dù viêm gan A hiếm khi lây truyền qua đường máu hay tinh dịch, nhưng viêm gan B lại lây lan qua những con đường này. Hiện nay đa số trường hợp nhiễm viêm gan B là thanh thiếu nhiên, người mới trưởng thành, trẻ mới sinh có mẹ bị nhiễm bệnh. Người mẹ đang mang thai bị viêm gan B cấp tính hay mãn tính có thể truyền bệnh cho con lúc sinh. Vì vậy, tất cả các sản phụ nên được kiểm tra có bị viêm gan hay không. Ở người trưởng thành và thanh thiếu niên, vi rút có thể được lây truyền khi quan hệ tình dục, và trẻ nhỏ đôi khi nhiễm bệnh qua sự tiếp xúc giữa người với người, phi tình dục.

Trong quá khứ, mắc phải viêm gan C là do truyền máu có nhiễm bệnh. Tuy nhiên, hiện nay với việc xét nghiệm máu của người hiến bằng những phương thức mới có độ nhạy cao, máu nhiễm viêm gan C có thể được phát hiện và loại bỏ. Bệnh cũng có thể xảy ra ở những người lạm dụng tiêm chích ma túy hoặc sử dụng kim tiêm bẩn. Tuy nhiên việc sử dụng kim tiêm vô trùng sử dụng 1 lần và xét nghiệm máu về cơ bản đã hạn chế nguy cơ truyền bệnh viêm gan B và C ở các bệnh viện và phòng khám.

Nhiễm vi rút viêm gan C thường không gây triệu chứng gì, hoặc chỉ có triệu chứng mệt mỏi hay vàng da nhẹ. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, bệnh này trở thành bệnh mãn tính và có thể dẫn đến các bệnh nghiệm trọng về gan như xơ gan, ung thư gan, và cuối cùng là tử vong.

Các dấu hiệu và triệu chứng

Một đứa trẻ có thể đã mắc bệnh mà không ai hay biết, vì nhiều trẻ bị bệnh có không nhiều hoặc không có triệu chứng gì. Ở một vài trẻ dấu hiệu mắc bệnh duy nhất có lẽ là sự khó ở hoặc mệt mỏi trong vài ngày. Những trẻ khác sẽ bị sốt kèm theo bệnh vàng da (tròng trắng mắt và da lộ rõ màu hơi vàng đáng chú ý). Bệnh vàng da này là do sự tăng lên không bình thường bilirubin (sắc tố vàng) trong máu, gây ra bởi chứng viêm gan.

Đối với viêm gan B, sốt thường ít khi xảy ra, dù trẻ có thể sẽ ăn mất ngon, thấy buồn nôn, ói mửa, đau ở bụng, khó chịu trong người, kèm theo vàng da.

Nếu bạn nghi ngờ con bạn bị bệnh vàng da, hãy thông báo cho bác sĩ nhi của bạn. Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu để xác định nếu viêm gan hay một nguyên nhân nào khác đã gây ra tình trạng hiện nay của trẻ. Bạn nên liên hệ với bác sĩ bất cứ khi nào thấy trẻ nôn mửa hoặc đau bụng dai dẳng trong vài giờ, ăn không ngon, nôn mửa, mệt mỏi kéo dài trong nhiều ngày. Những điều này có thể là những dấu hiệu cho thấy bệnh viêm gan.

Cách điều trị

Hiện nay, không có cách điều trị cụ thể bệnh viêm gan. Bởi vì với hầu hết bệnh nhiễm vi rút, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tìm cách tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Mặc dù bạn không cần phải hạn chế một cách cứng nhắc chế độ ăn hàng ngày và hoạt động của con bạn nhưng bạn có lẽ cần phải điều chỉnh dựa trên sự thèm ăn và mức năng lượng của các thực phẩm đó. Tránh sử dụng aspirin và acetaminophen vì dễ nhiễm độc do chức năng gan không tương xứng với các chất này. Các bẻ phải sử dụng thuốc trong một khoảng thời gian dài cũng nên được bác sĩ nhi xem xét liều lượng cẩn thận, mặt khác tránh việc nhiễm độc có thể xảy ra vì gan không thể chuyển hóa hết các dược phẩm với liều thông thường.

Một vài dược phẩm có sẵn cho bệnh nhân viêm gan B và C. Nếu bệnh gan của con bạn trở thành bệnh mãn tính, bác sĩ sẽ chỉ dẫn bạn đến gặp bác sĩ chuyên khoa dạ dày-ruột để giúp quyết định phương thức chăm sóc thích hợp tiếp theo và xem xét các dược phẩm nên dùng.

Hầu hết các trẻ bị viêm gan không cần phải nhập viện. Tuy nhiên, nếu việc ăn mất ngon hay nôn mửa gây phiền phức cho việc hấp thu nước vào cơ thể hoặc gây nên tình trạng mất nước thì bác sĩ có thể yêu cầu cho trẻ nhập viện. Bạn nên liêc lạc ngay với bác sĩ nếu con bạn hôn mê, mất nhận thức hoặc mê sảng, vì đó có thể cho thấy bệnh của trẻ đã trở nên xấu hơn và cần phải nhập viện.

Nhiều trẻ sơ sinh bị viêm gan trở nặng thành bệnh mãn tính. Ở một số bé, bệnh xơ gan có thể xảy ra tiếp sau đó, tuy nhiên hiếm khi dẫn đến tử vong. Viêm gan A không gây ra bệnh viêm nhiễm mãn tính nào, trong khi đó, khoảng 10 trong 100 trẻ dưới 5 tuổi nhiễm viêm gan B trở thành người mang vi rút mãn tính. Chiếm tỉ lệ cao hơn nữa là trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm gan B cấp tính hay mãn tính trở thành người mang mầm bệnh mãn tính, nếu bé không được chủng ngừa thích hợp sau sinh với vắc xin làm tăng khả năng chống chọi với vi rút viêm gan B. Bệnh nhân viêm gan B mãn tính có nguy cơ bị ung thư gan nhiều năm sau.

Cách phòng bệnh

Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là biện pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa bệnh viêm gan. Trẻ em cần được dạy những biện pháp này càng sớm càng tốt. Ở các trung tâm dạy trẻ, phải kiểm tra để chắc chắn rằng các nhân viên có rửa tay sau khi thay tã và trước khi cho trẻ ăn.

Bệnh viêm gan không lây nhiễm khi học cùng trường, ở cùng phòng hay nói chuyện, bắt tay, chơi chung với người mang bệnh. Viêm gan A có thể bị nhiễm nếu có sự tiếp xúc với thực phẩm hay nước uống bi nhiễm bẩn bởi phân của người bệnh. Bệnh có thể bị lây trong lúc hôn, ngậm đồ chơi hoặc ăn chung, sử dụng chung đồ dùng. Đối với viêm gan B, phải do sự tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch thể của người bệnh.

Nếu bạn phát hiện con bạn đã tiếp xúc với người bị viêm gan, hãy nhanh chóng liên lạc với bác sĩ để xác định việc tiếp xúc đó có gây nguy hiểm cho con bạn không. Trong trường hợp trẻ bị nhiễm bệnh, bác sĩ sẽ tiêm cho con bạn gamma globulin hay vắc xin ngừa viêm gan, tùy vào loại vi rút viêm gan.

Trước khi xuất ngoại cùng con cái, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị để tìm hiểu về nguy cơ có thể nhiễm bệnh gan ở nước mà bạn muốn đến. Trong vài trường hợp bạn sẽ được yêu cầu tiêm gamma globulin và vắc xin ngừa viêm gan A.

Tất cả trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên được khuyến cáo chủng ngừa viêm gan B. Vắc xin ngừa viêm gan A, lần đầu tiên được đăng kí vào năm 1995, được khuyến cáo cho tất cả các trẻ từ 12-23 tháng tuổi, cũng như các trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên chưa được chủng ngừa. Thêm vào đó, những người thường đi nước ngoài, ở trong những hoàn cảnh có nguy cơ viêm nhiễm cao và những người bị bệnh gan mãn tính, và những những tình trạng khác, nên hỏi bác sĩ điều trị về việc tiêm vắc xin ngừa viêm gan A.

Viết một bình luận